Để trẻ hạnh phúc hơn trong thời gian ở nhà mùa dịch

GD&TĐ - Mùa dịch bệnh, người lớn gặp không ít căng thẳng rồi trút giận lên con trẻ. Ngay cả quá trình dạy con học cũng khiến không ít phụ huynh nổi nóng, khó kiểm soát hành vi dẫn đến hệ lụy khó lường.

Gia đình hạnh phúc của diễn viên Lan Phương.
Gia đình hạnh phúc của diễn viên Lan Phương.

Những hệ lụy lên đầu con trẻ

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội không ít vụ bạo hành trẻ em gia tăng. Đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19. Những ức chế, lo lắng về dịch bệnh, mất việc, giảm thu nhập,…khiến người lớn dễ sinh cáu gắt. Không ít cha mẹ cảm thấy bí bách khi suốt ngày ở trong nhà và con trẻ dễ là đối tượng bị trút giận nhất.

Có người cho rằng, chỉ khi quát hoặc đánh con mới sợ mà làm theo, tập trung hơn. Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng đó chỉ là giây phút tức thời của trẻ để cho qua chuyện. Thậm chí, những đứa trẻ này phát triển lệch lạc và tương lai cũng sẽ trở thành ông bố, bà mẹ như chúng đã chứng kiến thuở nhỏ. Điều này gây ra nguy hại lớn đối với xã hội.

Hơn nữa, cuộc sống chứng kiến bạo lực còn khiến trẻ suy giảm khả năng nhận thức, có nhiều cảm xúc tiêu cực, rối loạn tiêu hóa do chán ăn hoặc ăn quá nhiều, tâm trạng bồn chồn, lo lắng,….Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần dẫn đến kết quả học tập sa sút. Nhiều em bé đã rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc hay thậm chí dẫn đến tự tử. Vì vậy, nếu dạy con học bằng bạo lực thì không thể có được kết quả như mong muốn.

Ngoài nỗi đau về thể xác thì vết thương tâm lý bên trong của trẻ vẫn còn đó, có khi là ám ảnh cả cuộc đời. Nhiều trẻ em không thể quên được những la mắng, trận đòn roi hay đánh đập mà mình phải chịu đựng. Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân của mình gây ra. Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề. Có mấy đứa trẻ như thế sau này sẽ thành công và hạnh phúc? Hay những lần “lỡ tay” đó có thể khiến con chưa kịp học giỏi hơn đã phải ra đi mãi mãi?

Trừng phạt có cần thiết với trẻ?

Dạy con không bạo lực sẽ khiến trẻ vui vẻ, hạnh phúc và dễ thành công trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Trang
Dạy con không bạo lực sẽ khiến trẻ vui vẻ, hạnh phúc và dễ thành công trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Trang

Diễn viên Lan Phương bày tỏ quan điểm: “Có nhiều người cho rằng không được khen con, phải luôn chê bai, phê bình, đừng cho con nghĩ mình hơn mọi người, như vậy  mới tốt. Con có thể sau này thành công như bố mẹ muốn nhưng tận sâu trong lòng, những tổn thương từ những lần bị cha mẹ đay nghiến, chê bai sẽ rõ mồn một. Vẫn rất nhiều người tin vào sự nghiêm khắc, trừng phạt là cần thiết của bố mẹ với con cái. Họ đều có chính kiến và lí do riêng dựa trên trải nghiệm tuổi thơ, hay dựa vào số đông người xung quanh đang sử dụng để con tiến bộ hơn”.

Lan Phương cũng cho rằng, người lớn đánh con chỉ vì sự bất lực, không biết làm gì và dạy con như thế nào. Người có lỗi nên là cha mẹ vì không thể hiểu trẻ con đang muốn gì, đang cảm thấy gì để giúp con làm đúng và tốt hơn.

Th.s Nguyễn Quỳnh Hoa – Nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chuyên gia tư vấn tâm lý và giảng hòa hôn nhân cho biết: “Một gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, lâu ngày cũng sẽ dẫn đến bạo lực, rồi thành bi kịch. Một đứa trẻ sống với người bố có xu hướng bạo lực, người mẹ thường xuyên quát mắng khi lớn lên sẽ có hành vi lệch lạc về thái độ sống cũng như ứng xử với người xung quanh. Ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến khi lớn lên, luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân.”

Bà Hoa cũng cho rằng, việc không thống nhất được quan điểm dạy dỗ đôi khi khiến người “yếu thế” hơn cảm thấy bất lực dẫn đến…mặc kệ. Vì vậy, trong thời điểm dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến căng thẳng, mỗi thành viên trong gia đình cần sắp xếp lại thói quen sinh hoạt, đưa ra những quan điểm chung trong cách dạy trẻ. Từ đó mỗi người mới có thể cùng nhau biến thách thức thành cơ hội để cả gia đình được bên nhau nhiều hơn, hạnh phúc hơn và chiến thắng đại dịch.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ