Dù công tác tuyên truyền, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước được đẩy mạnh trong nhà trường, địa phương, song vẫn cần duy trì thường xuyên, thiết thực, cụ thể hơn nữa.
Nỗi đau không thể bù đắp
Những ngày qua, nỗi đau thương, ám ảnh vẫn chưa thể nguôi đối với giáo viên, học sinh tập thể lớp 6B và Trường THCS Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) khi chỉ trong một buổi chiều, sóng biển đã lấy đi sinh mạng của 3 học sinh.
Do không có lịch học ở trường, ngày 5/4, nhóm 7 nữ sinh lớp 6B rủ nhau sang chơi tại biển Bãi Hoang, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc). Trong lúc chơi đùa, 3 em N.Q, T.U, T.T không may bị đuối nước. Thấy bạn gặp nạn, 4 em còn lại chạy xuống biển kéo được 2 bạn là N.Q và T.U vào bờ hô hấp nhân tạo. Tuy nhiên 2 em đã bị ngạt nước và tử vong. T.T. bị sóng biển cuốn trôi, đến tối 7/4 mới tìm thấy.
Lễ tang của T.T được tổ chức muộn nhất trong 3 bạn không may gặp nạn. Mẹ của em ngã quỵ, kiệt sức sau những ngày chờ tin con gái mất tích trên biển rồi tắt lịm hi vọng cuối cùng lúc tìm thấy thi thể T. Bố của em vừa đi xuất khẩu lao động hơn 1 tháng, không thể về nhìn mặt con lần cuối…
Cách đó không xa, là ngôi nhà nhỏ của em N.Q. Tiếng khóc của bà nội xót xa gọi cháu. Bố của Q đôi mắt trũng sâu, thẫn thờ. Vợ chồng anh có 2 con, Q là con gái đầu. Anh mới đi xuất khẩu lao động về trước Tết vì làm ăn ở xứ người khó khăn. Gia đình đoàn tụ chưa được bao lâu thì mất con.
T.U hoàn cảnh éo le hơn cả. Mẹ sinh T.U được 4 tháng thì đi xuất khẩu lao động. Hơn 1 tuổi mẹ về thăm em 1 lần rồi trở lại nước ngoài làm việc đến tận bây giờ. Bố mẹ chia tay nhau, bố có gia đình mới, em sống cùng bà ngoại. Ngày T.U gặp nạn, bố xin phép gia đình bên ngoại đưa em về nội để có người chăm lo hậu sự. Còn mẹ em vẫn ở xứ người, không kịp về với con…
Thầy Võ Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang nghẹn giọng: “Chưa bao giờ trường chịu nỗi đau mất mát lớn như vậy. Chúng tôi vừa tổ chức tuyên truyền phòng tránh đuối nước trước thời điểm 3 em gặp nạn không lâu. Mặc dù những học sinh đi cùng cố gắng cứu bạn, nhưng tuổi còn nhỏ, tâm lý hoảng loạn và không kịp thời gian… Cán bộ, giáo viên, học sinh đã kêu gọi ủng hộ mỗi gia đình học sinh gặp nạn 9 triệu đồng. Giá trị vật chất không nhiều nhưng đó là tấm lòng, sự quan tâm với mong muốn chia sẻ bớt nỗi đau cùng gia đình…”.
Chớm hè nhưng tại Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Mỗi học sinh là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các gia đình đều chung chịu nỗi đau mất con; nhà trường, thầy cô mất học trò.
Hướng dẫn kỹ năng sơ cứu, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân đuối nước tại Trường THPT Bắc Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: NTCC |
Phòng tránh đuối nước cụ thể, thiết thực
Trường THCS Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, Nghệ An vừa tổ chức buổi hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng chống đuối nước. Chương trình có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã. Học sinh được chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng chống đuối nước. Trong buổi ngoại khóa, nhiều tình huống, giả thiết được đặt ra. Qua đó tư vấn cho học sinh làm sao để hạn chế đuối nước, biện pháp xử lý khi gặp sự cố, cách ứng phó lúc thấy người bị tai nạn, đuối nước…
Trực tiếp tham gia chương trình, Thượng úy Bùi Công Tân (Công an thị xã Thái Hòa) cho biết: “Nhận lời tham gia tuyên truyền cho học sinh, tôi luôn chuẩn bị kỹ lưỡng để cố gắng dẫn dắt nội dung dễ hiểu, hấp dẫn. Tôi hướng dẫn cho các em nhiều kỹ năng cơ bản như: Cách thoát nạn, thoát hiểm, mặc áo phao và đưa ra cho các em nhiều lời khuyên bổ ích để phòng chống đuối nước…
Trên địa bàn những năm trước từng xảy ra tai nạn đuối nước ở học sinh, nhất là vào dịp hè hoặc mùa mưa lũ. Tôi cho rằng đây là chương trình thiết thực, cần được nhân rộng, triển khai thường xuyên để hạn chế tình trạng đuối nước thương tâm tuổi học trò”.
Bốn năm gần đây, Trường THPT Bắc Yên Thành đều tổ chức chương trình tuyên truyền phòng chống đuối nước và mời thầy Phan Văn Thắng, giáo viên thể dục, thành viên CLB phòng tránh tai nạn thương tích ngành Giáo dục Nghệ An đứng lớp.
Tại buổi ngoại khóa, nhà trường dành khoảng 1 giờ để khách mời, chuyên gia chia sẻ với học sinh 3 nội dung chính: Thực trạng về đuối nước trên địa bàn tỉnh; Cách ứng phó khi có trường hợp bị đuối nước; Kỹ năng cấp cứu người bị đuối nước để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ tử vong.
Theo thầy Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành, học sinh của trường cư trú tại 11 xã của huyện Yên Thành, khu vực có sông Đào chảy qua cùng nhiều hồ đập, khe suối nhỏ. Vì thế, nguy cơ đuối nước hiện hữu, nhất là thời gian học sinh không ở trường. Và lứa tuổi cấp 3, các em dễ lập nhóm đi chơi, trải nghiệm ở khu vực sông nước.
Hiện trường chưa có điều kiện xây dựng bể và dạy bơi cho học sinh. Vì vậy, giải pháp tối ưu được đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, giúp các em biết cách phòng tránh, xử lý tình huống nếu xảy ra sự cố.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra khoảng 50 vụ đuối nước trẻ em và hơn 30 em tử vong, trong đó nhóm 5 - 16 tuổi chiếm nhiều nhất. Tỷ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước chiếm gần 40%.
Trước thực trạng này, trong tháng 3 và 4, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có 2 văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, học sinh, gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.
Nghệ An là 1 trong 12 tỉnh, thành được Bộ LĐ,TB&XH hỗ trợ triển khai Dự án phòng, chống đuối nước tại 12 xã thuộc 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu. Thông qua dự án, năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 70 lớp dạy bơi cho hơn 1.400 trẻ em, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước tại cộng đồng cho 1.800 giáo viên, đại diện cha, mẹ học sinh dưới 15 tuổi; tổ chức 48 lớp tập huấn, dạy kỹ năng, an toàn trong môi trường nước cho 2.400 trẻ em dưới 15 tuổi tại các xã thụ hưởng dự án…