(GD&TĐ) - Theo thời gian, sự nhàm chán trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi do hai con người sống chung một nhà, gặp nhau 24/24 giờ, khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy tẻ nhạt. Khi đã là vợ chồng, buồn vui, giận hờn là những trạng thái cảm xúc thường tình, được xem là “gia vị” giữ tình cảm đôi bên không bị “sứt mẻ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những cảm xúc “bất ổn” gây sóng gió không ít cho hai người.
1. Hay tin chồng được cơ quan cử đi học nghiệp vụ hai tháng, chị Liên, nhân viên kế toán công ty A., vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì chồng có cơ hội học hỏi, có thể thăng quan tiến chức nhưng lòng chị cũng rối bời vì sẽ ở nhà một mình với đứa con trai mới lên hai tuổi và chưa bao giờ hai vợ chồng lại sống xa nhau lâu như vậy. Lúc tiễn chồng đi, thấy chị cứ sụt sùi, chồng chị cũng không khỏi chạnh lòng, còn mấy cô bạn đồng nghiệp lại ghẹo : “Sao giống vợ chồng son quá!”. Với chị, cảm giác trống vắng này không biết bao giờ mới “giải tỏa” được. Thế nhưng, chỉ sau gần hai tuần lễ, cái cảm giác đó lại mất hẳn trong chị Liên và tiếp theo là cảm giác thoải mái. Trên đường đi làm về, chị Liên ghé đón con, hai mẹ con về nhà ăn cơm chung, vừa ăn vừa nghe con líu lo kể chuyện trường lớp.
Đến tối, cơm nước xong hai mẹ con thong thả nằm xem TV và cười giòn tan khi gặp những cảnh vui nhộn. Rồi một ý nghĩ chợt lóe lên trong chị: “Chồng vắng nhà khỏe thiệt!”. Nghĩ xong, chị Liên chợt giật mình khi nhớ ra chồng đã đi gần một tháng nay mà chị chẳng thấy nhớ nhung, mong đợi anh về. Khác với trước đây, khi chưa có con, chồng đi miền Tây chỉ một tuần lễ mà chị đã trông đứng trông ngồi. Phải chăng lòng chị đã nguội lạnh khi nghĩ về chồng, thậm chí còn ước rằng nếu chỉ có hai mẹ con sống chung như vậy chắc vui hơn. Sau khi chồng đi vắng, chị Liên về nhà với cảm giác thoải mái vì không phải vội vàng lo nấu cơm, không bực mình vì thấy sách báo, quần áo của chồng vất bừa trên ghế, không phải buồn giận khi ngày cuối tuần chỉ có hai mẹ con bên mâm cơm, trong khi chồng đang chiếu tướng ở nhà hàng xóm…Chị Liên thấy mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, xem TV, điều mà trước đây chúng là xa xỉ đối với chị do bận rộn nào nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp… Áp lực việc nhà khiến chị nghĩ về chồng mình như một ông chủ khó tính, bừa bãi, không biết chia sẻ với vợ, nên khi không có chồng bên cạnh chị Liên cảm thấy mình trút được gánh nặng ngàn cân.
Ảnh MH |
2. Cùng tâm trạng với chị Liên, chị Lan luôn trông đợi những chuyến đi chơi, đi công tác xa của chồng để tận hưởng cảm giác thoải mái, tự do riêng của mình. Mỗi tối, sau khi dọn hàng ngoài chợ về gặp mặt chồng, chị chẳng những chẳng vui mà còn thấy bực mình. Tuy trước đây, họ từng vượt qua rào cản gia đình để đến với nhau nhưng rồi chẳng hiểu sao, cuộc sống chung không làm cho chị Lan vui, mà khiến lòng chị nặng nề hơn. Còn chị Lan, từ khi được mẹ ruột cho sạp mỹ phẩm chị phải ngồi ngoài chợ từ sáng cho đến tối khiến chồng chị, anh Quyết tỏ ra không hài lòng. Anh cho rằng, chị lơ là chuyện nhà. Những hôm đắt khách về trễ là anh cau có, khó chịu. Mẹ vợ đến nhà chơi anh càng không thích, vì trước đó giữa hai người có nhiều chuyện hiểu lầm nhau. Chị Lan càng thêm buồn và sinh ra mặc cảm, ngại đối diện với chồng. Có lần, anh Quyết đi chơi với bạn bè thấy vợ về muộn nên hạch sách. Lời qua tiếng lại, anh Quyết đã nói mấy câu tổn thương đến chị. Dù sau đó, anh có xin lỗi nhưng những lời anh nói như “đóng đinh” trong đầu chị, khiến chị đau mãi chứ không dễ quên như mình tưởng. Vì lẽ đó, chị càng tránh mặt chồng.
3. Chị Thu lại có tâm trạng khác. Chị cho biết, mình không thể chịu nổi cảm giác mệt mỏi, không khí nặng nề khi có chồng mà cũng như không. Từ lúc sinh con, nghỉ dạy ở nhà làm dâu, nuôi con thì những cuộc trò chuyện giữa chị và chồng ngày càng thưa dần. Hết giờ làm việc, anh Tiến chồng chị không đi nhậu thì cũng đi uống cà phê với bạn bè. Những ngày về sớm, anh chỉ đùa với con nhỏ một lúc, xem TV, nói với vợ dăm ba câu rồi lăn ra ngủ. Chị Thu mệt mỏi với hàng tá công việc nhà, một tay chăm con nhỏ, một tay chăm cha chồng bị tai biến nằm một chỗ. Chị vẫn khát khao được chồng hỏi thăm, thèm một vòng tay ôm âu yếm như ngày xưa. Chỉ có đứa con nhỏ là niềm vui của chị. Có lần, bực quá chị nói thẳng mình chán ngấy cuộc sống tẻ nhạt này thì chồng chị nói ngay: “Con ngoan, kinh tế khá giả, vợ chồng không gây gổ, em còn muốn gì nữa”, nghe chồng thản nhiên nói chị càng thêm bất lực. Chị trút nỗi lòng với cô bạn thân: Mình muốn li dị cho xong”.
Thực tế, những nhàm chán mang tính cơ học như trên không phải “bó tay” khi hai người biết làm mới, biết tạo sự bất ngờ thú vị cho nhau, chẳng hạn như thỉnh thoảng cùng ra ngoài ăn tối, uống cà phê, nói những lời yêu thương, tặng quà, họp mặt gia đình… Còn một khi đã gây tổn thương cho nhau sẽ rất khó hòa giải. Nguyên nhân do “hội chứng” chán nhau không chỉ đơn thuần phát sinh từ nững cuộc tranh cãi, mâu thuẫn xuất hiện mỗi ngày, mà nó được “cộng dồn” từ những khuyết điểm, hành vi, lời nói không hay trong suốt quá trình chung sống. Vì thế, người xưa có nói “Phu phụ tương kính như tân”, phải cư xử với nhau như khách, nhưng cũng đừng quá khách sáo đôi khi cũng phản tác dụng.
Hà Tiên