Như vậy, so với dự thảo Nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc hồi năm 2023, số tuyến cao tốc dự kiến thu phí đã giảm một nửa do chưa đủ điều kiện.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đường bộ với Bộ GTVT về xây dựng đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, có 6 tuyến dự kiến sẽ thu phí là Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Mỹ Thuận - Cần Thơ, bao gồm cầu Mỹ Thuận 2.
Về mức phí, với các cao tốc chưa đầu tư dải dừng xe khẩn cấp liên tục là 900 đồng/km; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ, gồm cả cầu Mỹ Thuận 2 là 1.300 đồng/km.
Lý giải rõ hơn về đề xuất này, Cục Đường bộ cho biết, đã nghiên cứu, đánh giá các phương thức khai thác đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hình thức nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nhưng để đáp ứng tiến độ triển khai thu phí, Cục đề xuất trước mắt thực hiện khai thác theo phương thức cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản đường cao tốc gồm tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng. Tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý, khai khác thông qua trạm thu phí; quản lý thu, nộp, sử dụng phí theo quy định… Trong quá trình đánh giá thực hiện chính sách hoặc sau khi hết một chu kỳ khai thác thiết bị thu phí tự động, Cục sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác nếu phù hợp.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất thu phí đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được đưa ra và cơ sở pháp lý để thực hiện việc này đã có. Cụ thể, Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa XIV đã đồng ý với chủ trương thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Mới đây nhất, theo Điều 50, Luật Đường bộ thì Nhà nước thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc.
Mặt khác, việc thu phí như quan điểm của Bộ GTVT là chỉ thực hiện với những tuyến cao tốc có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu. Rằng việc thu phí nhằm quản lý phương tiện lưu thông, cân bằng giữa các tuyến cao tốc và quốc lộ, kiểm soát xe quá tải, giúp tăng khả năng khai thác của cao tốc. Là sẽ không xảy ra tình trạng “phí trùng phí”.
Tuy nhiên, để việc thu phí nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, điều quan trọng nhất là phải rõ và phải bảo đảm được chất lượng của dịch vụ. Phải triệt để tuân thủ nguyên tắc người dân phải có quyền lựa chọn đi trên quốc lộ, các tuyến đường không thu phí hoặc trả tiền sử dụng cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn.