Không đánh đố thí sinh
Thí sinh Trần Đình Nguyên – dự thi tại Điểm thi Trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) nhận xét, đề thi môn Vật lý vừa sức. Các câu hỏi tường minh, không đánh đố thí sinh. Cấu trúc đề thi bám sát đề thi minh họa.
Theo em, đề năm nay có khoảng hơn 60% ở mức nhận biết, thông hiểu. Điều này phù hợp với việc dạy – học trực tuyến kéo dài. Các dạng câu hỏi đã được thầy, cô giáo ôn luyện kỹ trong thời gian ôn tập nên không làm khó với em.
Tuy nhiên, ở những câu hỏi cuối có sự phân hóa, khiến em bị lúng túng và mất khá nhiều thời gian cho những câu hỏi đó. “Em tự chấm mình đạt ít nhất 8 điểm với môn Vật lý” – Đình Nguyên tự tin nói.
Thí sinh Nguyễn Châu Anh, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, đề thi Vật lý vừa sức. Phần lý thuyết cũng nhẹ nhàng hơn những năm trước.
Với đề thi năm nay, nếu làm cẩn thận, làm đâu chắc đấy thì học sinh trung bình cũng đạt ít nhất 5-6 điểm. Tuy nhiên, đề thi cũng có sự phân hóa, phù hợp với những thí sinh có nguyện vọng dùng điểm thi môn này để xét tuyển đại học. Cụ thể, đề thi có khoảng 10 câu phân hóa học sinh. Tuy nhiên, phần khó chỉ nằm ở một số câu về mạch điện.
Châu Anh cho biết, em làm được hết đề thi, tuy nhiên chỉ chắc chắn đúng khoảng 80%. Em dự định sẽ dùng điểm thi môn Vật lý, kết hợp với môn Toán, Hóa để xét tuyển vào Học viện Bưu chính viễn thông. “Sau buổi thi này, em sẽ nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần, động lực để quyết tâm hoàn thành tốt môn thi cuối cùng vào chiều nay" – Châu Anh bộc bạch.
Tự tin về kết quả bài thi của mình, thí sinh Ngô Xuân Quang (Đông Anh, Hà Nội) nhận xét, bài thi Khoa học tự nhiên nhẹ nhàng, không quá khó. Riêng với môn Vật lý, kiến thức không nằm ngoài sách giáo khoa. Vì thế, chỉ cần chăm chỉ học tập ở trên lớp là có thể làm được 6 điểm.
“Dự định của em sẽ xét tuyển đại học bằng tổ hợp: Toán, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, môn Sinh em làm không được như kỳ vọng. Vì thế, có thể em sẽ đổi sang xét tuyển bằng điểm thi của tổ hợp: Toán, Lý, Hóa. Vì em môn Vật lý em làm tốt hơn” -Xuân Quang chia sẻ.
Niềm vui khi làm được bài. |
Đề thi có sự phân hóa
Nhận xét về đề thi môn Vật lý, cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên THPT Thuận Thành (Bắc Ninh) – cho hay, đề thi năm nay “dễ thở” hơn mọi năm, phù hợp với việc dạy – học trực tuyến. Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, đề thi cũng có sự phân hóa nhất định, đảm bảo cho việc xét tuyển đại học.
Cấu trúc đề thi sát với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Với đề thi này, học sinh trung bình cũng có thể làm được 5-6 điểm. Dự đoán năm nay sẽ có nhiều điểm 10 môn Vật lý.
Nhìn chung, đề thi đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp, phù hợp với mọi đối tượng học sinh của các vùng miền và là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
“Có thể nói, đề thi Vật lý tốt nghiệp năm nay có cầu cấu trúc, hình thức cho đến nội dung hợp lý với năng lực của học sinh. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu sẽ dao động từ 6 -7, điểm. Để đạt 9-10 điểm phải là những học sinh có lực xuất sắc và được ôn luyện thi kỹ càng” – cô Hương chia sẻ.
Thầy Bùi Quang Thế - giáo viên Trường THPT Nậm Pồ (Điện Biên) cho hay, đề thi năm nay dễ thở hơn, phù hợp với học sinh mọi vùng miền trên cả nước. Cấu trúc đề thi bám sát với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Các câu hỏi nằm trong chương trình sách giáo khoa.
Vì thế, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt 6-7. Để đạt từ 8 điểm trở lên, ngoài việc nắm vững kiến thức, đòi hỏi thí sinh làm bài cẩn thận và được ôn luyện kỹ trong thời gian ôn tập.
Nội dung kiến thức được hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12; trong đó có 3 câu lớp 11 ở mức độ nhận biết. 20 câu đầu thuộc phần lý thuyết cơ bản với mức độ nhận biết, thông hiểu.
Từ câu 21 đến 25 đã tăng mức độ vận dụng kiến thức, nhưng vẫn ở mức dành cho học sinh có học lực trung bình. Sang đến câu thứ 26 – 30, học sinh khá sẽ làm được. Từ câu 31-40 là dành cho học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, mức độ vận dụng cao nằm ở các câu từ 35 đến 40. Điều đó cho thấy, đề thi trải được thiết kế từ dễ đến khó. Dự kiến, phổ điểm năm nay dao động từ 6-7 điểm và không có hiện tượng “mưa” điểm 10.