Theo ý kiến đánh giá của nhiều học sinh ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài Ngữ văn, thì đề thử đã bám sát được những kiến thức mà học sinh đang học, sự phân loại năng lực của học sinh thông qua các câu hỏi rất rõ ràng.
“Riêng đối với câu hai của phần viết văn thực sự khó, thông thường giành cho học sinh khá giỏi và thi đại học. Đối với câu này, nếu học sinh học không chắc thì khó có thể lấy được điểm cao, đặc biệt dạng câu so sánh, như mọi năm sẽ dành cho đối tượng học sinh giỏi, hoặc đa phần ra nhiều cho đề thi học sinh giỏi. Còn giờ có cả trong đề thi THPT quốc gia chứng tỏ đề đã có tính phân hóa cũng như chọn lọc đối tượng”, đó là chia sẻ của Huyền Nhi – lớp 12D3 trường THPT Việt Đức.
Với đề văn này, nếu học sinh không có nhiều kỹ năng trong làm dạng bài so sánh thì sẽ không làm được. Bởi khi làm dạng bài so sánh ngoài kiến thức từ văn bản, học sinh còn cần phải những hiểu biết cuộc sống, vốn ngôn từ diễn đạt.
“Nếu những bạn nào không học hoặc không nắm chắc thì sẽ mất rất nhiều thời gian trong tìm điểm chung của hai bài thơ Sóng và Vội vàng. Đề đã bám sát được kiến thức cũng như quá trình ôn tập của học sinh”, Huyền Nhi chia sẻ.
Còn riêng với đề nghị luận luận xã hội, theo chia sẻ của học sinh thì thực sự rất thực tế. “Bởi hiện nay, học sinh đang quá chăm chú vào cuộc sống bên ngoài, thiên về tận hưởng mà chưa thực sự chăm lo đến việc học. Đề cũng như là câu cảnh tỉnh, nhắc nhở học sinh cần phải làm gì”, Huyền Nhi.
Bên cạnh những đánh giá của Huyền Nhi, thì nhiều cho rằng đề thi thử môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Hà Nội đề dài, khó. Em Nguyễn Khánh Linh (học sinhtrường THPT Việt Đức) nói: “Dù là học sinh chuyên khối D nhưng bạn thấy rằng với thời gian làm bài 120 phút không đủ thời gian để làm hết. Điều này, khiến học sinh khá khó để đạt được điểm cao và khá lo lắng cần có một cách học sao cho ổn”.
Riêng đối với những học sinh theo tổ hợp môn Khoa học Tư nhiên, chương trình lớp 11 sẽ gây không ít khó khăn trong quá trình làm bài. “Bởi thời gian học đã lâu, mặt khác kỹ năng làm văn của em cũng hạn chế chính vì vậy, nếu dạng đề này em chỉ làm được 60%”, Tuấn Hùng (học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức) nói.
Với đề thi thử lần này, nhiều học sinh cho rằng cần phải có hướng ôn tập một cách cẩn thận, đồng thời quá trình học cần xâu chuỗi những điểm chung trong các tác phẩm thơ. Như vậy trong quá trình làm dạng đề so sánh cũng sẽ không bị bỡ ngỡ và không mất quá nhiều thời gian làm.