Ngữ liệu có độ tin cậy cao
Nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà, tỉnh Phú Thọ, cho biết: Về phạm vi chương trình, kiến thức trong đề thi chủ yếu là kiến thức của lớp 12; nội dung bám sát chương trình đã được điều chỉnh về nội dung dạy học theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về định dạng cấu trúc và mức độ, cô Hà nhận định đề thi cơ bản có cấu trúc định dạng ổn định so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 2 phần.
Đầu tiên là phần Đọc hiểu, chiếm 30% số điểm toàn bài. Ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghệ thuật nằm ngoài chương trình sách giáo khoa đó là đoạn trích trong bài thơ “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo.
"Đây là ngữ liệu có độ tin cậy cao; giàu giá trị thẩm mĩ, giá trị tư tưởng; đặt ra những vấn đề có ý nghĩa với tuổi trẻ. Ngữ liệu phù hợp với nhận thức của học sinh THPT, độ khó tương đương các văn bản sách giáo khoa", cô Thu Hà phân tích.
Phần này có 4 câu hỏi kiểm tra năng lực Đọc hiểu của học sinh, là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay, được sắp xếp từ dễ đến khó: Câu 1, 2: Nhận biết; câu 3: Thông hiểu; câu 4: Vận dụng.
Cụ thể, câu 1 là nhận biết về thể thơ. Đây là câu hỏi rất quen thuộc, từng xuất hiện trong đề thi ở các năm 2015, 2018, 2019.
Câu 2 là nhận biết từ loại. Câu hỏi không hề khó nên thí sinh có học lực trung bình có thể dễ dàng lấy trọn điểm ở câu này.
Sang câu 3, đề bài hỏi về tác dụng của biện pháp tu từ. Đây cũng là dạng câu hỏi khá quen thuộc, đã từng xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp năm 2018, 2019.
Cuối cùng câu 4 là câu hỏi vận dụng. Học sinh được yêu cầu trình bày nhận xét của mình về một nội dung đặt ra trong đoạn thơ. Có thể thấy, cách hỏi rộng hơn, khó hơn, cho nên thí sinh phải đọc kĩ văn bản, hiểu rõ về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ đặt ra trong đoạn thơ thì mới có thể lấy trọn vẹn điểm cho phần này.
Nhiều thí sinh vui mừng vì đề thi Ngữ văn vừa sức. |
Đảm bảo phân hóa thí sinh
Dành nhiều thời gian chia sẻ về phần Làm văn, chiếm 70% số điểm toàn bài, cô Thu Hà cho biết: Câu 1 yêu cầu viết đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ, chiếm 20% số điểm toàn bài.
Nội dung nghị luận bàn luận về một khía cạnh của vấn đề đặt ra từ nội dung trong ngữ liệu phần Đọc hiểu, đó là trách nhiệm tuổi trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Đây là vấn đề gần gũi, quen thuộc, có tính nhân văn, có tính giáo dục, phù hợp với khả năng giải quyết của học sinh THPT.
Sang đến câu 2 là viết bài văn Nghị luận văn học, chiếm 50% số điểm toàn bài. Kiến thức của câu hỏi này nằm trong chương trình học kì 2 lớp 12.
So với đề thi 2021, đề thi có cách hỏi lạ hơn với ý hỏi nâng cao là liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa thông điệp và cuộc sống. Tuy nhiên vẫn tương đương về độ khó và đảm bảo phân hóa thí sinh.
Theo cô Thu Hà, vấn đề nâng cao mang tính khái quát đòi hỏi học sinh phải thực sự có kiến thức, có kỹ năng mới giải quyết tốt được.
Đánh giá chung, nữ giáo viên nhận xét đề thi tốt nghiệp năm 2022 đảm bảo giữ sự ổn định đúng như công bố của Bộ Giáo dục và đào tạo và phù hợp với điều kiện dạy học trong hoàn cảnh hiện nay.
Đề vừa sức với học sinh, sự phân hoá không thể hiện ở số lượng câu hỏi mà thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác từng ý, từng câu của đề; học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá cứng có thể đạt 7 - 8,5 điểm.
"Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, cách trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo", cô Thu Hà chia sẻ.