>>> Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Ngữ văn TẠI ĐÂY
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Nội dung phân hóa ở câu Nghị luận văn học
Cô Trần Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế nhận định: Đề Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản bám vào kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn, đặc biệt kiến thức Ngữ văn 12. Đề ra ở mức độ phù hợp với học sinh.
Phần phân loại thí sinh nằm ở câu Nghị luận văn học, học sinh trên sơ sở phân tích ngữ liệu, rút ra vấn đề mang ý nghĩa chiều sâu. Ở vế 2 của câu Nghị luận văn học, đa số học sinh khá, giỏi nắm chắc và sâu kiến thức mới làm được vì vậy ở vế 2 phân loại được mức độ học sinh.
Nhìn chung: Đề thi cơ bản bám sát dạng đề minh họa của Bộ GD&ĐT, phù hợp với kiến thức học sinh 12 và phù hợp với bối cảnh học sinh trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với dạng đề này, đa số học sinh đều đáp ứng được. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh học và rèn luyện trên cơ sở dạng đề minh họa.
Hiếu Nguyễn
Đề thi Văn nhẹ nhàng, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ
ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) nhận xét: Về cấu trúc, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 được ra theo cấu trúc quen thuộc. Cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.
ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên). |
Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như em nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng tương đối nhẹ nhàng; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát thì mới làm bài được.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Câu này cũng được ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó học sinh.
Câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và có hiệu quả hơn so với đề thi năm trước.
Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, chưa thấy có sự đổi mới, sáng tạo gì đáng kể.
Về nội dung đề thi, phần đọc hiểu cho một đoạn trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo. Theo tôi đây là một ngữ liệu tốt, giàu ý nghĩa, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu.
Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Đây là một vấn đề cũ, quá quen thuộc và có vẻ hô khẩu hiệu. Tuy nhiên cũng là một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình, các em đã được học, được ôn tập kĩ nên khá nhẹ nhàng cho các em.
Nhìn chung đề dành cho kì thi năm nay nhẹ nhàng, quen thuộc, phù hợp với một năm học mà một số địa phương học sinh chủ yếu học online do dịch Covid – 19.
Công Chương
Ngữ liệu của đề thi Ngữ văn được lựa chọn rất hay
Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THTP Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét: "Đề năm nay không quá khó nhưng cũng không dễ đạt điểm cao"
Theo thầy Hòa, các câu hỏi có tính phân loại từ đọc hiểu cho đến làm văn. Phần Đọc hiểu, câu 1,2 tương đối dễ nhưng câu 3,4 thì nhiều em sẽ khó đạt điểm tối đa. Câu nghị luận xã hội liên quan trực tiếp đến giới trẻ nhưng yêu cầu đề về "trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước" thì đòi hỏi các em phải có chiều sâu nhận thức, có tinh thần trách nhiệm thì mới viết tốt được. Câu hỏi cũng đánh động về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Câu nghị luận văn học, theo thầy Nguyễn Đình Hòa thì ngữ liệu được chọn rất hay, thể hiện rõ cảm hứng thế sự và triết lí nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên câu hỏi phân loại thì học sinh phải nắm vững tác phẩm và cả phong cách của tác giả, có chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực đời sống mới viết đầy đủ và sâu sắc
Ánh Ngọc
Đề thi bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp
Cô Đinh Thị Thúy Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội |
Cô Đinh Thị Thúy Nga, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội nhận định: Nhìn chung đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp.
Đề thi về cơ bản không thay đổi so với mọi năm, cấu trúc đề vẫn gồm có hai phần. Phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm (câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm).
Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1 và 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ bám sát cấu trúc đề thi tham khảo, phù hợp với năng lực đọc hiểu của học sinh. Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải thể hiện được những cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong ngữ liệu đọc hiểu, từ đó vận dụng những trải nghiệm và quan điểm cá nhân để đưa ra suy ngẫm về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ trong xã hội hôm nay.
Phần Làm văn (7 điểm):
Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Về hình thức, học sinh cần đảm bảo yêu cầu của việc tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ cùng với đó cần kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng rõ vấn đề nghị luận.
Về nội dung, học sinh cần giải thích được khái niệm trách nhiệm; phân tích được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước thế hệ đi trước (biết ơn, kế thừa, phát huy, có ý thức trau dồi kĩ năng, thái độ, phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước…); vận dụng những hiểu biết xã hội để chỉ ra những dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp với vấn đề nghị luận; từ đó đưa ra những giải pháp, liên hệ thực tiễn bản thân. Nhìn chung, đề nghị luận xã hội trong đề thi phù hợp với yêu cầu của đề thi tốt nghiệp, với tình hình thực tế trong xã hội ngày nay.
Câu 2 (5 điểm) Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất (5 điểm). Đề yêu cầu học sinh phải vận dụng những kiến thức và kĩ năng làm bài nghị luận văn học để giải quyết vấn đề nghị luận. Yêu cầu của đề bài vẫn bám sát đề thi minh họa. Tuy nhiên đề có điểm mới ở vế phụ, học sinh cần phải liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích đó với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện trước khi rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Khi triển khai bài làm, ở vế chính, học sinh cần có kiến thức vững vàng về tác giả, tác phẩm cũng như đoạn trích để từ đó phân tích chi tiết phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng – biểu tượng cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Ở vế phụ, hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi giữa phá tượng trưng cho hiện thực cuộc sống, cho những khó khăn mà con người phải trải qua.
Từ đó, học sinh cần rút ra được thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống (nghệ thuật chân chính luôn bắt nguồn từ cuộc đời và vì con người; khi nhìn cuộc sống, người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị ….). Trong quá trình làm bài, học sinh cần kết hợp chỉ ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc được sử dụng để làm sáng rõ giá trị nội dung.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 phù hợp với tình hình học sinh học trực tuyến do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân hóa cao ở câu nghị luận văn học, do đó tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học sử dụng kết quả thi cho công tác tuyển sinh.
Hiếu Nguyễn
Đề Ngữ văn có sự đổi mới, không nhàm chán
NGƯT Nguyễn Thị Hạnh (áo dài đỏ) cùng học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lào Cai |
Theo NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai):
Đề thi Ngữ văn (chính thức) với thời gian làm bài 120 phút năm nay đã thể hiện tính phân loại cao, không gây sốc cho học sinh; không chỉ tối ưu cho đối tượng học sinh vùng miền nào; hay cho học sinh trường chuyên hay trường không chuyên; cũng không dành riêng cho đối tượng học sinh chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp hay Đại học.
Với đề thi này, học sinh có sức học trung bình cũng có thể kiếm được điểm trên 6, học sinh khá giỏi có phần câu hỏi mang tính phân loại để lấy điểm cao. Phần câu hỏi phân loại lấy điểm cao như “sân chơi” cho những học sinh ưu tú thể hiện năng lực của bản thân, đòi hỏi các em phải thực sự hiểu tác phẩm chứ không thể học thuộc một cách máy móc là có thể thì làm được bài và kiếm điểm. Đây thực sự là những câu hỏi phù hợp cho học sinh có tư duy văn học, năng khiếu, tố chất học văn.
Theo cô Hạnh, một đề thi mang tính phân loại cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT như đề Ngữ văn năm nay rất cần thiết bởi đề dễ quá học sinh giỏi không có “sân” thể hiện, đề khó quá không tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu xa, những học sinh chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp xong sẽ theo học nghề.
Với đề thi Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh cũng đặc biệt đánh giá cao cách đặt câu hỏi bởi có sự đổi mới, không nhàm chán, không bị quen thuộc, có sự đầu tư mới mẻ…
Đức Trí
Các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh
TS. Trịnh Thu Tuyết. |
TS. Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI - nhận định: Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cụ thể như sau:
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết: câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu nhận biết yếu tố từ loại trong 4 câu thơ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh. Dù như quan điểm của dư luận nói chung, số lượng 2 câu hỏi nhận biết đã làm bớt đi 1 mức độ nhận thức trong 4 câu hỏi Đọc hiểu; và phần nào hạ thấp khả năng nhận thức của phần đông thí sinh. Nên chăng, từ những kì thi sau, số lượng 4 câu Đọc hiểu nên phân bổ đều theo mức tăng dần của 4 mức độ nhận thức: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao.
Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai phép so sánh “như sao trời mát mắt…như lửa thiêng liêng…”
Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh nhận xét về những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải nhận ra được những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ đối với đất nước, chủ yếu thể hiện trong 6 câu cuối đoạn, đồng thời thể hiện quan điểm riêng của mình để có thể nhận xét một cách sâu sắc, thấu đáo với cả sự chia sẻ hoặc phản biện. Tuy nhiên, câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập.
Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.
Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.
Nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng – đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ. Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng…
Hơn thế nữa, nếu thí sinh không đọc kĩ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước. Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc “tiếp bước thế hệ đi trước” - bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển.
Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: Sau đoạn trích của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” và “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.
Đoạn trích ngắn miêu tả phát hiện thứ nhất của Phùng về “chiếc thuyền ngoài xa” – “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” với suy nghĩ, cảm xúc và những nhận thức, phát hiện mới mẻ, bất ngờ về sức mạnh kì diệu của cái Đẹp – đó là yêu cầu vừa sức với thí sinh trong đề thi có thời lượng 120 phút cho 3 câu. Yêu cầu thứ hai đề cập đến một trong những giá trị của tình huống nhận thức cũng là đơn vị kiến thức quen thuộc với thí sinh, và có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc độc đáo hơn về “mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.
Câu nghị luận văn học tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm (đầu và cuối truyện), trong 2 cự li (chiếc thuyền khi ở ngoài khơi xa, được cảm nhận như một cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh; và chiếc thuyền đang vật vã chống chọi với sóng gió giữa cơn bão biển dữ dội ở cuối truyện, gợi ra những suy tư bất an về thân phận con người), thì đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Hiếu Nguyễn
Sự phân hoá thể hiện trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác ý
Nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), cho biết: Về phạm vi chương trình, kiến thức trong đề thi chủ yếu là kiến thức của lớp 12; nội dung bám sát chương trình đã được điều chỉnh về nội dung dạy học theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về định dạng cấu trúc và mức độ: Đề thi cơ bản có cấu trúc định dạng ổn định so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 2 phần:
Phần Đọc hiểu (Chiếm 30% số điểm toàn bài). Ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghệ thuật nằm ngoài chương trình sách giáo khoa đó là đoạn trích trong bài thơ “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo. Đây là ngữ liệu có độ tin cậy cao; giàu giá trị thẩm mĩ, giá trị tư tưởng; đặt ra những vấn đề có ý nghĩa với tuổi trẻ. Ngữ liệu phù hợp với nhận thức của học sinh THPT, độ khó tương đương các văn bản sách giáo khoa.
Phần này có 4 câu hỏi kiểm tra năng lực Đọc hiểu của học sinh, là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay, được sắp xếp từ dễ đến khó: Câu 1, 2: Nhận biết; câu 3: Thông hiểu; câu 4: Vận dụng.
Cụ thể, câu 1: Nhận biết về thể thơ - câu hỏi rất quen thuộc xuất hiện ở năm 2015, 2018, 2019.
Câu 2: Nhận biết từ loại - câu hỏi không hề khó, học sinh trung bình có thể dễ dàng lấy trọn điểm ở câu này.
Câu 3: Hỏi về tác dụng của biện pháp tu từ, đây cũng là dạng câu hỏi khá quen thuộc, đã từng xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp năm 2018, 2019.
Câu 4: Vận dụng, học sinh được yêu cầu trình bày nhận xét của mình về 1 nội dung đặt ra trong đoạn thơ.
Có thể thấy, cách hỏi rộng hơn, khó hơn, cho nên thí sinh phải đọc kĩ văn bản, hiểu rõ về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ đặt ra trong đoạn thơ thì mới có thể lấy trọn vẹn điểm cho phần này.
Phần Làm văn: (Chiếm 70% số điểm toàn bài). Câu 1 yêu cầu viết đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ (Chiếm 20% số điểm toàn bài). Nội dung nghị luận bàn luận về một khía cạnh của vấn đề đặt ra từ nội dung trong ngữ liệu phần Đọc hiểu, đó là: trách nhiệm tuỏi trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Đây là vấn đề gần gũi, quen thuộc, có tính nhân văn, có tính giáo dục, phù hợp với khả năng giải quyết của học sinh THPT.
Câu 2. Viết bài văn Nghị luận văn học (Chiếm 50% số điểm toàn bài). Kiến thức nằm trong chương trình kọc kì 2 lớp 12.
So với đề thi 2021, đề thi có cách hỏi lạ hơn với ý hỏi nâng cao: Liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa thông điệp và cuộc sống). Tuy nhiên vẫn tương đương về độ khó và đảm bảo phân hóa thí sinh.
Vấn đề nâng cao mang tính khái quát đòi hỏi học sinh phải thực sự có kiến thức, có kỹ năng mới giải quyết tốt được.
Đánh giá chung: Đề thi tốt nghiệp năm 2022 đảm bảo giữ sự ổn định đúng như công bố của Bộ Giáo dục và đào tạo và phù hợp với điều kiện dạy học trong hoàn cảnh hiện nay.
Đề vừa sức với học sinh, sự phân hoá không thể hiện ở số lượng câu hỏi mà thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác từng ý, từng câu của đề; học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá cứng có thể đạt 7 - 8,5 điểm. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.
Hiếu Nguyễn
Đề thi môn Ngữ văn có sự phân hóa
Cô Nguyễn Thị Hoa, Giáo viên môn Ngữ văn trường THPT DTNT Ka Lăng huyện Mường Tè (Lai Châu). |
Theo cô Nguyễn Thị Hoa, Giáo viên môn Ngữ văn trường THPT DTNT Ka Lăng huyện Mường Tè (Lai Châu), nhìn chung đề thi môn Ngữ văn năm có sự phân hóa, đòi hỏi các em phải có cái nhìn mang tính phát hiện.
Theo cô Hoa, đề thi năm nay sát với kiến thức ôn tập của nhà trường. Đối với hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu, cơ bản câu 1, 2 học sinh có thể làm được. Còn câu 3, 4 khó hơn một chút nhưng nếu vận dụng tốt kiến thức đã được học, ôn tập, học sinh có thể làm được.
“Đối với câu nghị luận xã hội, các em có thể làm tốt vì dạng đề này đã được ôn tập kỹ lưỡng. Còn phần nghị luận văn học là vấn đề hay, cụ thể, rõ ràng nên khả năng có điểm ở câu này tương đối lớn. Cái khó cho học sinh vùng cao Ka Lăng là phần liên hệ để chỉ ra thông điệp. Bới lẽ, đối với dạng câu hỏi này, việc sự dụng ngôn từ để diễn đạt các em vẫn còn lúng túng” – cô Hoa chia sẻ.
Với đề thi này, học sinh có sức học trung bình cũng có thể "kiếm" được điểm trên 6. Học sinh khá, giỏi có phần câu hỏi mang tính phân loại để lấy điểm cao.
Hà Thuận
Đề thi Ngữ văn có sự phân hóa, điểm 6 đến trên 7 sẽ phổ biến
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Anh Tuấn – giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh): Cấu trúc đề Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu, Làm văn. Trong đó phần Làm văn có Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Đề phù hợp với năng lực, điều kiện học của học sinh những năm vừa qua. Ngữ liệu thơ được chọn trong đề trích trong bài thơ “Con đường của những vì sao” của tác giả Nguyễn Trọng Tạo", tôi đánh giá hay.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Câu 1,2,3 cho thí sinh thi tốt nghiệp dễ dàng lấy điểm. Bởi những câu này thí sinh đã được học rất kỹ tại trường phổ thông.
Riêng câu số 4 đề thi năm nay mới, đặc biệt có sự phân hóa năng lực với học sinh, có sự thay đổi so với những năm trước. Với những năm trước, đề ra nhận xét đúng sai, hoặc rút ra thông điệp vì sao.
Tuy nhiên, điểm mới của đề thi năm nay thí sinh được bày tỏ nhận xét, thể hiện quan điểm, đánh giá của mình. Từ đó cho thấy đề ra có tính vận dụng, phân hóa năng lực học sinh cao.
Phần Nghị luận xã hội, đề thi cơ bản.
Đối với phần Nghị luận Văn học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu" người ra đề đã chọn đoạn văn phù hợp với năng lực của thí sinh. Thí sinh sẽ không bị bỡ ngỡ.
Trong câu này, sự phân hóa năng lực các thí sinh chính là phần nhận xét, liên hệ.
Nếu thí sinh không nắm vững kiến thức, đọc kỹ đề quá trình làm bài sẽ bị rối, làm bài lan man trong việc đưa ra nhận xét, đánh giá của mình.
Đối với câu này, thí sinh muốn lấy điểm cao kiến thức phải chắc, lập luận chặt chẽ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của đề.
Nhìn chung, tôi đánh giá đề năm nay phân hóa khá rõ ràng, điểm 6 đến trên 7 sẽ phổ biến. Thuận lợi cho thí sinh xét đại học, bởi sự phân hóa cao.
Ngô Chuyên - Tú Anh
Câu nghị luận văn học là một đề bài hay
NGƯT Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay, đáp ứng được những yêu cầu của chuẩn kiến thức và kĩ năng, phù hợp với trỉnh độ học sinh (HS) và có tính phân loại tốt. Các dạng đề bài không xa lạ với HS nhưng vẫn gợi mở và khá thú vị.
NGƯT Triệu Thị Huệ (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) và các HS. |
Phần Đọc hiểu bao gồm 4 câu hỏi trong đó có 2 câu hỏi nhận biết, một câu hỏi ở cấp độ thông hiểu và một câu vận dụng, có độ tương thích cao với đề bài tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố trước đây. Các dạng câu hỏi khá quen thuộc, không đánh đố HS nên tôi tin rằng các em dễ dàng đạt được điểm ở phần này. Ngữ liệu được chọn thuộc văn bản nghệ thuật cùng với các câu hỏi khá nhẹ nhàng sẽ tạo được tâm thế thoải mái cho HS khi làm bài.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu HS viết đoạn văn ngắn (200 chữ) yêu cầu trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Ngoài dạng thức quen thuộc, đề bài còn khơi gợi tới một vấn đề liên quan tới tuổi trẻ cho nên vừa mang tính giáo dục cao vừa dễ tạo hứng thú với người viết. Tuy nhiên, nếu không xuất phát từ những suy nghĩ chín chắn, nghiêm túc, HS có thể bị sa vào sự sáo rỗng, hay gò ép.
“Câu nghị luận văn học là một đề bài hay. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm có tầm tư tưởng cao, trên thực tế không dễ cảm thụ đối với một số HS. Tuy nhiên, với cách hỏi này, đề bài năm nay đã khơi gợi khá khéo léo để HS có cơ sở trình bày được, chạm được đến thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống mà tác giả gửi gắm.
Tính phân loại của đề khá cao khi yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích (đầu truyện) với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió (cuối truyện) để từ đó rút ra thông điệp của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Để giải quyết được phần này, HS phải thực sự hiểu bài, cảm nhận được một cách sâu sắc ẩn ý của hình tượng chiếc thuyền trong mỗi cảnh huống, từ đó biết xâu chuỗi, tổng hợp lại để khái quát vấn đề. Những học sinh khá giỏi sẽ làm tốt yêu cầu này...” - NGƯT Triệu Thị Huệ nhận định.
Công Chương (ghi).
Đề Ngữ văn hài hòa giữa đọc hiểu văn bản thơ và văn xuôi
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT C Hải Hậu (Nam Định) cho rằng, đề thi Ngữ văn cơ bản bám sát chương trình, hài hòa giữa đọc hiểu văn bản thơ và văn xuôi. Các câu hỏi đọc hiểu phân bổ hợp lý giữa các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ở phần Nghị luận xã hội đề cập tới vấn đề trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước tuy không mới, nhưng đã phần nào khơi được lý tưởng sống có trách nhiệm của các bạn trẻ hôm nay.
Cũng theo cô Hoài, phần Nghị luận văn học phân tích 1 đoạn văn xuôi trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" phù hợp với kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã được ôn luyện. Phần liên hệ rất hay, có sự liên tưởng giữa hai hình ảnh chiếc thuyền ở 2 đoạn trong cùng một văn bản để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có khả năng bao quát tác phẩm và tư duy khá sâu sắc về vấn đề.
Cô giáo Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) |
Còn theo cô giáo Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nằm trong phạm vi kiến thức lớp 12 và kiến thức cơ bản quen thuộc học sinh được ôn luyện.
Câu đọc hiểu là 1 đoạn trong bài thơ của tác giả Vũ Trọng Tạo khá hay viết về tuổi trẻ. Các câu hỏi nhận biết khá đơn giản, thí sinh dễ trả lời. Tuy nhiên câu 4 của đề đọc hiểu có sự phân loại khá rõ nét. Câu nghị luận xã hội đề cập tới vấn đề trách nhiệm của tuổi trẻ - đây là vấn đề quen thuộc nên thí sinh dễ viết và viết có cảm xúc.
Câu nghị luận văn học về tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của tác giả Nguyễn Minh Châu là câu vận dụng và vận dụng cao ở phần liên hệ hai hình ảnh của chiếc thuyền trong ánh bình minh tuyệt đẹp và chiếc thuyền khí giông bão. Thí sinh sẽ viết tốt ở hình ảnh chiếc thuyền trong phát hiện 1 của nhân vật Phùng - vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh. Nhưng phần liên hệ sẽ nhiều em có thể lúng túng. Các em có lực học khá trở lên sẽ viết tốt.
"Cách ra đề ở câu nghị luận văn học khá hay. Đề thi chính thức có kết cấu và mức độ kiến thức khá thống nhất với đề mẫu của Bộ GD&ĐT. Vì đề 'dễ thở' nên phổ điểm có thể sẽ dao động từ 5,5 cho đến 7,5 điểm" - cô Hằng Nga chia sẻ thêm.
Đình Tuệ
Đề thi Ngữ văn rõ ràng, dễ hiểu, liên hệ thực tế hợp lý
Từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn hơn chục năm, rồi mới lên làm quản lý, cô Nguyễn Thị Chung, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 rằng: “Tôi thấy đề thi ra kiến thức vừa phải, phù hợp với năng lực của học sinh, có sự phân hóa. Đề rõ ràng, từ khóa dễ hiểu. Đề có kiến thức liên hệ thực tế hợp lý, rất dễ phân tích với thực tế. Tôi nghĩ sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao ở mông Ngữ văn này”.
Đề có cấu trúc quen thuộc như những năm trước, độ khó vừa phải, phù hợp với điều kiện năng lực của học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến vì dịch Covid-19. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản của các em học sinh, rất dễ để đạt điểm cao ở phần này.
Theo cô Nguyễn Thị Chung, câu 4 trong phần đọc hiểu khá đơn giản, gắn với vấn đề quen thuộc và thực tế trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các em, nên rất dễ để liên hệ và ăn điểm ở phần này. Còn câu 2 – phần làm văn, cảm nhận về bài thơ sóng (của nhà thơ Xuân Quỳnh), đoạn thơ trong đề thi không khó. Tại các buổi ôn thi ở trường học, các em cũng đã được thầy cô hướng dẫn về bài thơ nổi tiếng này, rồi, ít nhiều các em cũng thấy quen thuộc và phân tích theo cảm nhận của mình.
"Tôi thấy đề thi khá dễ và rõ ràng, tôi đoán ở đề thi năm nay số điểm học sinh dưới trung bình sẽ rất ít. Học sinh học lực trung bình có thể ăn chắc hơn 5 điểm trở lên; học sinh có học lực khá, giỏi có thể đạt 8 -9 điểm”, cô Nguyễn Thị Chung nhận định.
H. Hoàng
Các em có kiến thức thực tế sẽ làm tốt yêu cầu của đề
Sau khi kết thúc môn thi ngữ Văn vào sáng 7/7, phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với các giáo viên đang dạy bộ môn ngữ Văn tại 2 tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông.
Theo cô Trần Thị Thanh - Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), đề thi vừa sức với học sinh, thích hợp với tình hình dịch bệnh, học sinh học gián đoạn. Tuy nhiên, câu nghị luận văn học có một chút khác với đề tham khảo của Bộ về dạng đề, lệnh đề. Cách lập luận hơi làm khó học sinh.
Còn cô Nguyễn Thị Tăng - Trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, cấu trúc đề quen thuộc, các câu hỏi phù hợp với đối tượng dự thi vì đã bao quát được hai phương diện nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.
Cô giáo Nguyễn Thị Tăng nhận xét đề thi môn Ngữ văn ngay sau khi kết thúc môn thi vào sáng 7/7. |
Cụ thể, ở phần Làm văn, câu 1: yêu cầu đưa ra là vấn đề gần gũi với lứa tuổi 18 - lứa tuổi chạm ngưỡng cửa trưởng thành, cũng đã có ý thức về bản thân, nhất là mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng.
Như vậy, các em có kiến thức thực tế sẽ làm tốt yêu cầu của đề và có khả năng liên hệ rộng.
Còn ở câu 2, về thuận lợi: "Chiếc thuyền ngoài xa" là tác phẩm hay, trọng tâm trong chương trình 12, thầy cô và học sinh đều có ý thức dạy, học, ôn tập kĩ càng. Đoạn trích thuộc phần đầu của truyện, lại là trang văn hay, đặc sắc... nên thí sinh sẽ có nhiều kiến thức để làm bài.
Tuy nhiên, ở yêu cầu thứ hai, không khó nhưng cũng không dễ với đa số thí sinh. Hình ảnh chiếc thuyền chống chọi với sóng gió giữa phá xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, có thể có nhiều em không để ý (dù thầy cô đã dạy, đã liên hệ, đã nối kết vấn đề). Có thể hơi "khớp" một chút khi đọc đề nhưng đến yêu cầu: rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống thì thí sinh lại hoàn toàn yên tâm để làm bài, bởi vì đây là vấn đề "gan ruột" mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Và trong quá trình học, ôn tập... học sinh đã nắm được một cách chắc chắn.
“Trong tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp, thời gian học online khá dài, giữa học kì 2, nhiều tỉnh, nhiều trường mới đi học trực tiếp, tôi nghĩ, đề thi Ngữ văn với cấu trúc và yêu cầu cụ thể như thế này là hoàn toàn phù hợp với đối tượng dự thi năm nay’, cô Tăng nói thêm.
Thầy giáo Nguyễn Phúc Hạnh nhận xét đề thi môn ngữ Văn. |
Còn thầy giáo Nguyễn Phúc Hạnh – Trường THPT Gia Nghĩa (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, đề Văn phù hợp với đã phần học sinh. Phần đọc hiểu câu 1, 2 dễ nhận biết; câu 3, 4 học sinh hiểu và vận dụng mức độ thấp. Phần làm văn có viết đoạn văn đánh giá đủ các mức độ từ nhận biết, hiểu, vận dụng cao. Dạng câu phù hợp và hs đã được ôn tập thành thạo.
Câu viết bài văn, phù hợp với năng lực học sinh, mức độ không khó.
Thành Tâm
Đề thi tạo được hứng thú, phát huy sự sáng tạo của học sinh
Nhận xét về đề thi Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang (GV Ngữ Văn, trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho rằng đề thi năm nay rất gần gũi và sáng tạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang - GV Ngữ Văn trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. |
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Hệ thống các câu hỏi đúng ma trận, đảm bảo tính vừa sức học cho những em trung bình nhưng có sự phân hoá đối tượng học sinh. Ở phần đọc hiểu với 4 câu hỏi theo các mức độ: câu 1, câu 2 mức độ nhận biết; câu 3 mức độ thông hiểu; câu 4 mức độ vận dụng. Cấu trúc này phù hợp với năng lực đọc hiểu của học sinh. Câu 4 yêu cầu học sinh vừa có sự cảm nhận vừa thể hiện sự suy ngẫm của bản thân.
Còn câu nghị luận xã hội, vấn đề đưa ra rất sát thực tế và gần gũi với lứa tuổi các em. Từ đó, giúp các em thoải mái bộc lộ suy nghĩ, liên tưởng từ chính bản thân, đời sống của các em.
"Câu nghị luận văn học, nội dung nằm ở chương trình học kì 2, yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn văn trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Yêu cầu thứ nhất trong lệnh đề khá đơn giản, yêu cầu thứ hai mức độ cao hơn, tạo sự phân hoá rõ rệt năng lực của học sinh. Trong vế thứ 2 của lệnh đề có điểm mới đó là từ sự liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện, từ đó rút ra thông điệp mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống. Đây cũng là câu hỏi thể hiện rõ sự phân hóa học sinh và tạo được hứng thú, phát huy sự sáng tạo của học sinh", cô Quỳnh Giang nhận xét.
Phương Hồ
Đoạn trích thơ hay, có ý nghĩa
TS Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn nhìn chung khá tốt, đáp ứng yêu cầu kiến thức, khả năng phân loại và không có sai sót gì, phù hợp với đề tham khảo (minh họa) mà học sinh đã được luyện tập từ trước.
TS Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) |
Đề có 2 phần: Phần 1 - Đọc hiểu (3 điểm): Phần này đưa một đoạn thơ của Nguyễn Trọng Tạo về vẻ đẹp, khát vọng, lý tưởng của tuổi trẻ. Đoạn thơ hay, có ý nghĩa. Câu hỏi về thể loại và nghệ thuật ngôn từ kiểm tra hiểu biết căn bản của học sinh, vừa về kiến thức tiếng Việt vừa về khả năng cảm thụ văn học, phù hợp với trình độ học sinh, chắc chắn rất nhiều em sẽ làm được trọn vẹn câu này.
Phần 2 có 2 câu: Câu 1 viết một đoạn văn nghị luận từ chủ đề đoạn thơ trên. Chủ đề này không mới, nhưng học sinh muốn điểm cao thì phải vừa bám sát nội dung bài thơ trên, vừa mở rộng thêm, biện luận nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu thí sinh chỉ làm theo văn mẫu, tách rời bài thơ phía trên, chắc chắn sẽ không được đánh giá cao.
Phần 2- Câu 2: Phân tích một trích đoạn trong truyện ngắn Con thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn này có trong chương trình lớp 12, nhưng yêu cầu của đề không phải là viết về cốt truyện hay nhân vật - một kiểu đề rất dễ có văn mẫu, mà yêu cầu học sinh phải phân tích nội dung, ý nghĩa của một trích đoạn thuộc phần đầu của truyện. Đề không khó, vì văn bản có sẵn, tác phẩm đã được học, nhưng phân tích cho sâu, cho hay trích đoạn để có điểm cao thì không hề dễ.
“Đề ngữ văn năm nay đáp ứng được nhiều yêu cầu: vừa sức, phù hợp với hoàn cảnh học sinh phải học online nhiều trong thời kỳ dịch Covid-19, đề vừa nhẹ nhàng nhưng vừa có khả năng phân hóa học sinh. Đề cũng phù hợp với định hướng giáo dục: phát triển năng lực học sinh mà ngành giáo dục đang theo đuổi...” - TS Nguyễn Thị Quốc Minh nhận định.
Công Chương (ghi)
Phần Nghị luận văn học gây bất ngờ thú vị
"Phần Nghị luận Văn học trong đề thi môn Ngữ văn năm nay thực sự gây một bất ngờ thú vị đối với tất cả người học và một bộ phận người dạy.
Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm hay. Từ năm 2014 đến nay, tác phẩm đã đi vào đề thi Quốc gia trước đây và tốt nghiệp những năm gần đây 3 lần.
Thầy Lê Hồng Phong -Tổ trưởng chuyên môn THPT Hàm Rồng, Tp Thanh Hoá. |
8 năm và 3 lần thi vô tình thách thức với những học sinh, thậm chí cả giáo viên luyện thi khi rơi vào tâm lý loại trừ, chủ quan, xem nhẹ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong năm nay trường hợp học sinh “lệch tủ”, “tủ đè” là khó tránh khỏi.
Đề câu Nghị luận văn học năm nay yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn văn trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, đoạn phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ Phùng. Có thể nói đó là một yêu cầu khá đơn giản, học sinh dễ viết, song sẽ khó viết dài.
Vế liên hệ thuộc phần nâng cao, phân hóa đối với học sinh khá giỏi, yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc trong đoạn trích và hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi giữa phá trong chuyện, từ đó nhận xét về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vế sau này hơi khác với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Học sinh phải đọc kỹ và có năng lực văn chương mới hoàn thành tốt được.
Tóm lại, đề thi Ngữ văn năm nay tương đối vừa sức với học sinh. Một đề thi an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay".
Thế Lượng
Nghệ An: Giáo viên nhận xét đề thi gợi cảm xúc, mong chờ bài văn hay của thí sinh
Phân hóa học sinh ở câu Nghị luận văn học
Theo cô Nguyễn Khánh Ly – GV Ngữ văn Trường THPT chuyên Đại học Vinh, đề thi năm nay tuân thủ theo cấu trúc, quy cách trình bày của một đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Cụ thể, đề thi xoay quanh những kiến thức trọng tâm, bám sát nội dung chương trình Ngữ văn THPT. Một mặt vừa đảm bảo yêu cầu, mức độ của một đề thi tốt nghiệp nhưng vẫn có khả năng phân hóa học sinh - đặc biệt với câu Nghị luận văn học.
Thí sinh Nghệ An phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn sáng ngày 7/7. |
Theo đó, phần Đọc hiểu có nội dung khá gần gũi với lứa tuổi học sinh THPT, đề cập đến vẻ đẹp và những khát khao, nung nấu của tuổi trẻ. Câu 1, 2 dễ làm, học sinh sẽ lấy được điểm tuyệt đối. Câu 3, 4 có độ khó hơn nhưng vẫn là những dạng câu hỏi học sinh đã được rèn luyện kỹ năng làm bài nhiều lần. Nhìn chung, câu Đọc hiểu không làm khó học sinh. Các em sẽ làm được và đạt được điểm cao ở phần này.
Về câu Nghị luận xã hội, vấn đề liên quan trách nhiệm của tuổi trẻ không mới, được nói nhiều, bàn nhiều không chỉ trong môn Văn mà ở các môn học và lĩnh vực khác trong cuộc sống. Vì vậy chắc chắn, học sinh sẽ không bỡ ngỡ với chủ đề này.
Dẫu vấn đề quen thuộc nhưng vẫn rất cần một cách viết mới, cách nghĩ táo bạo hơn để tránh sa vào cuồng ngôn, sáo ngữ, hô hào khẩu hiệu. Các bạn trẻ bây giờ có chính kiến, tư duy độc lập hơn nên tôi hy vọng các em có thể nói được những điều thiết thực, mới mẻ, thực sự trăn trở của thế hệ mình – không cần phải đi theo một khuôn mẫu giáo điều nào cả. Đây cũng là yếu tố để đánh giá, phân loại học sinh có kiến thức nền tốt và khả năng lập luận, đưa ra dẫn chứng thể hiện quan điểm của mình.
Đề thi năm nay được giáo viên nhận xét không đánh đố học sinh và có sự phân hóa rõ. |
Câu Nghị luận văn học ra về văn xuôi cũng là một trong những nội dung ôn tập trọng tâm trong năm nay. “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một văn bản hay nhưng cũng rất khó.
Đoạn trích được đề cập thuộc phần kiến thức trọng tâm nhưng để viết cho mạch lạc hệ thống ý, viết cho sâu sắc, làm bật lên ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu là khó. Đoạn trích ngắn nên phân tích cần sâu hơn, cần đến khả năng cảm thụ văn học nữa. Học sinh rất có thể sẽ sa vào diễn nôm, bình tán vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên.
Câu hỏi có phần liên hệ, so sánh 2 hình ảnh con thuyền để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống chắc chắn sẽ làm khó học sinh. Bởi lẽ học sinh vừa phải nắm được văn bản (đoạn miêu tả con thuyền đang chống chọi với sóng gió), vừa phải có kỹ năng so sánh và tổng hợp, đánh giá thông điệp nghệ thuật của nhà văn. Tuy nhiên, phần câu hỏi phân hóa thường điểm số không nhiều nên thí sinh cũng không cần quá lo lắng khi làm không trọn vẹn được mục này.
Chờ bài văn giàu cảm xúc
Cô Nguyễn Thị Hương (GV Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An) đánh giá, đề văn năm nay bám sát chương trình SGK theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trong đó, câu đọc hiểu đưa ra ngữ liệu là đoạn thơ của Nguyễn Trọng Tạo về tuổi trẻ không quá lạ, nhưng vẫn gợi cảm xúc của học trò, về thế hệ trước kết nối thế hiện tại.
Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An mong chờ và hy vọng có bài văn hay từ thí sinh. |
"Câu Nghị luận xã hội cũng nối tiếp vấn đề này. Học sinh được viết về tuổi trẻ, trách nhiệm của chính mình nên dễ hào hứng, bày tỏ suy nghĩ, chính kiến bản thân. Theo tôi, câu hỏi đọc hiểu và đề nghị luận xã hội ngoài kiểm tra kiến thức, thể hiện kỹ năng làm bài, hiểu biết xã hội còn có tính giáo dục cao", cô Hương nói.
Về câu Nghị luận văn học, ra về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu không xa lạ, nằm trong trọng tâm ôn tập nên sẽ không bất ngờ với thí sinh. Nhưng khả năng nhiều sĩ tử sẽ bất ngờ khi đề ra vào đoạn đầu của tác phẩm.
Với học sinh đại trà, các em sẽ dễ lấy điểm trung bình và phân tích được các ý cơ bản với đoạn trích trên. Tuy nhiên, ý thứ 2 của đề chính là phân hóa học sinh giỏi, và tôi rất thích cách đặt câu hỏi của người ra đề. Bởi văn của Nguyễn Minh Châu rất hay nhưng cũng khó để phân tích sâu sắc. Nếu chỉ với 1 đoạn trích được đưa ra, thì sẽ không thấy được tư tưởng của tính luận đề của Nguyễn Minh Châu.
Với đề thi môn Ngữ văn, theo giáo viên nhận xét để đạt điểm 9 trở lên phải là học sinh có năng lực cảm thụ văn chương tốt, biết phân tích, đánh giá, so sánh và lập luận tốt. |
Nhưng với ý 2: “Từ đó, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống” thì đặt ra yêu cầu thí sinh phải biết kết nối, đặt đoạn trích trong so sánh với toàn thể tác phẩm, làm rõ được chiều sâu của văn bản. Giữa hình ảnh con thuyền thơ mộng, yên bình trong đoạn trích, với con thuyền nhỏ bé, chơ vơ chống chọi với sóng gió, đưa người chụp ảnh đi thơ mộng lãng mạn đến thực tế cuộc sống. Cũng như nghệ thuật phải bắt nguồn và không xa rời khỏi thực tế.
Với câu Nghị luận văn học này, để viết được đầy đủ ý, phân tích sâu sắc thông điệp của Nguyễn Minh Châu không dễ.
"Nhìn chung, đề không đánh đố học sinh, có sự phân hóa rõ, để tùy vào lực học, mục tiêu của mình có thể đạt điểm điểm số như mong muốn. Riêng để đạt điểm 9, 10 thì phải là học sinh có năng lực văn chương, biết cảm thụ, phân tích, so sánh, lập luận chặt chẽ. Với đề thi này, tôi mong đợi và hy vọng sẽ tìm được những bài văn hay, sáng tạo, cảm xúc của thí sinh", cô Hương chia sẻ.
Hồ Lài
Học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa với 2 câu hỏi nhận biết
Cô Y Trâm - giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đăk Glei, Kon Tum). |
Nhận xét về đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, cô Y Trâm, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho rằng, đề thi năm nay đảm bảo cấu trúc theo đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT cả về nội dung và hình thức.
Bên cạnh đó, phần nội dung câu hỏi đọc hiểu tương đối vừa sức với thí sinh. Đối với câu 1 và 2 với mức độ nhận biết thì học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa. Còn câu 3 và câu 4 là câu hỏi thông hiểu. Đặc biệt đối với câu 4 mang tính phân loại đối với các thí sinh.
Cô Y Trâm chia sẻ, về phần Làm văn với câu hỏi 2 điểm yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước thì gắn liền thực tế, đời sống học sinh. Do đó, học sinh dễ dàng liên hệ để có thể viết được một đoạn văn hoàn chỉnh.
“Đối với câu hỏi phân tích đoạn trích trong bài Chiếc thuyền ngoài xa cũng không có gì gây khó khăn cho học sinh. Bởi đây là một trong những tác phẩm trọng điểm trong chương trình 12. Qua chia sẻ với học sinh tại địa phương thì đa số các em đều làm được bài”, cô Y Trâm tâm sự.
Cũng theo cô Y Trâm trong quá trình làm bài, học sinh phải đảm bảo cấu trúc một đoạn văn hay bài văn có đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Đặc biệt, học sinh phải nắm được vấn đề nghị luận mà đề yêu cầu. Từ đó, triển khai vấn đề một cách logic, hợp lý và rút ra được bài học liên hệ với bản thân.
Dung Nguyễn
Đề thi vừa sức, hy vọng thí sinh đạt kết quả cao
Cô Phan Minh Thùy, Trường THPT Chuyên Tiền Giang. |
Nhận xét đề thi, cô Phan Minh Thùy, giáo viên Văn Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho biết: Phần đọc hiểu, đề thi chọn văn bản thơ mới mẻ thu hút nhưng vẫn gần gũi dễ cảm nhận. 3 câu hỏi đầu rất cơ bản, khá dễ để trả lời. Phần này so với đề năm trước là dễ hơn.
Câu 4 tuy cần suy nghĩ riêng nhưng cũng dễ làm bài do vấn đề đặt ra trong câu hỏi có tính thiết thực. Phần nghị luận xã hội cũng không đánh đố các em do vấn đề mang tính phổ quát và quen thuộc. Có thể học sinh đã có sẵn ý trong đầu qua quá trình ôn luyện mà không cần phải vất vả suy nghĩ thêm trong phòng thi
Phần nghị luận văn học, tác phẩm được chọn tuy có phần không dễ bằng Vợ chồng A Phủ hay Vợ nhặt… nhưng thật ra đoạn trích được chọn là đoạn đầu tác phẩm, rất dễ cảm nhận và chắc chắn thầy cô trong lớp đã dạy kỹ. Chỉ có phần liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong tác phẩm với thực tiễn cuộc sống thì nâng cao một chút. Tuy nhiên điều này là cần thiết vì dù sao cũng cần phải phân hoá giữa thí sinh học tốt hiểu sâu với các em bình thường.
Cô Minh Thùy cho biết thêm: Chỉ có câu 4 đọc hiểu và câu liên hệ phần nghị luận văn học là mang tính phân hoá nhưng thật sự cần thiết và cũng không quá khó để làm bài. Hy vọng với đề văn này, các em sẽ đạt kết quả cao
Xuân Uyên
Đề thi Ngữ văn vừa sức
Từng là Tổ trưởng, giáo viên Ngữ văn Trường Nguyễn Văn Hai, Trà Vinh, với kinh nghiệm hơn 30 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung nhận định: Đề có cấu trúc quen thuộc như những năm trước; độ khó “đúng tầm”, phù hợp với điều kiện học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến. Tuy nhiên, đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh, dù tổng thể không khó.
Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản, học sinh có thể dễ dàng trả lời được và “ăn điểm” tuyệt đối của phần này.
Câu 1 trong phần Làm văn khá đơn giản, gắn với vấn đề quen thuộc là trách nhiệm của thế hệ trẻ, học sinh có thể dễ dàng trả lời. Câu 2 phần Làm văn nằm trong nội dung chương trình, nội dung phân loại nằm ở yêu cầu liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Nói chung, với đề này, số điểm học sinh dưới trung bình sẽ rất ít. Học sinh học lực trung bình có thể chắc điểm 5; học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9,5 điểm.
Hiếu Nguyễn