Đề thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 ở Hà Nội phân hoá rõ nét

GD&TĐ - Đề thi vào lớp 10 THPT môn Tiếng Anh của Hà Nội kiến thức bám sát chương trình lớp 9, có phần thách thức hơn so với đề thi năm trước.

Thí sinh Hà Nội kết thúc môn thi thứ 2. Ảnh: Tú Anh.
Thí sinh Hà Nội kết thúc môn thi thứ 2. Ảnh: Tú Anh.

Phổ điểm có thể giảm

Nhận xét về đề thi tiếng Anh vào 10 của Hà Nội, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng: Đề thi đã đảm bảo được yếu tố quan trọng là phân loại thí sinh, đánh giá đúng năng lực của người học. Đề thi không quá khó để mọi thí sinh với kiến thức của mình đều có thể làm được điểm tối thiểu. Tuy nhiên, với nội dung nâng cao đây là phần khó của Đề thi nhằm đánh giá năng lực người học. Tôi cho rằng đề thi đã đảm bảo phân loại thí sinh, cái hay của là sát với người học, hiệu quả và thiết thực.

Nhận định đề phân hóa rõ nét, cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THCS Ban Mai, Hà Đông cho biết: Đề có khoảng 50% câu hỏi mức độ nhận biết, 25% thông hiểu, 15 % vận dụng, 10% vận dụng cao.

Trong đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết chủ yếu nằm ở Phần ngữ âm (kiểm tra đuôi -s/-es và nguyên âm như mọi năm), 2 câu hỏi trọng âm (kiểm tra trọng âm ở động từ 2 âm tiết, và các từ có 3 âm tiết - có dấu hiệu nhận biết) nhóm 10 câu hỏi từ vựng - ngữ pháp (kiểm tra các kiến thức về thì, từ nối, câu điều kiện loại 1, so sánh, dạng của từ, câu ước, và một số cấu trúc cơ bản trong chương trình đã học như would like + to V, cấu trúc used to).

Ngoài ra, các câu nhận biết còn trải đều ở các bài đọc hiểu, bài đọc điền từ và sửa lỗi sai (kiểm tra về thì quá khứ đơn và câu hỏi đuôi)

Các câu hỏi ở mức độ thông hiểu chủ yếu kiểm tra về từ vựng (từ đồng nghĩa – trái nghĩa), 2 câu về chức năng giao tiếp, 3 câu trong bài đọc điền từ (kiểm tra về cụm động từ, từ vựng và từ nối).

Câu hỏi ở mức độ vận dụng hiện diện ở bài viết tìm câu đồng nghĩa và trong bài đọc hiểu.

Câu hỏi ở mức độ vận dụng cao trong đề thi là 4 câu viết hoàn chỉnh sử dụng từ gợi ý cho trước.

Dự kiến, điểm thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội năm nay có thể giảm so với năm học trước do mất điểm ở phần đọc hiểu và từ vựng và điểm 10 sẽ ít hơn (dự kiến rơi vào khoảng từ 6 đến 7 điểm).

Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THCS Ban Mai, Hà Đông.
Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THCS Ban Mai, Hà Đông.

Đề không kiểm tra các phần kiến thức khó

Thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: Đề thi giữ ổn định về cấu trúc và độ khó so với đề thi năm 2022 – 2023 với 40 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 60 phút.

Các đơn vị kiến thức được hỏi nằm trong chương trình Tiếng Anh THCS, chủ yếu là lớp 9. Cấu trúc đề thi quen thuộc sẽ không gây quá nhiều áp lực cho thí sinh; chỉ cần nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp cơ bản và từ vựng trong SGK là có thể hoàn thành 70% bài thi.

Các câu hỏi trong đề thi gồm các dạng bài quen thuộc như: ngữ âm, hoàn thành câu, tìm lỗi sai, chức năng giao tiếp, tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa, câu đồng nghĩa, đọc điển từ và đọc hiểu trả lời câu hỏi.

Nội dung kiến thức được hỏi tập trung vào chương trình Tiếng Anh lớp 9, nhiều câu hỏi ngữ pháp trong chương trình học như: used to, động từ nguyên thể có “to”, câu điều kiện, câu so sánh, câu ước,… Đặc biệt, đề thi không kiểm tra các phần kiến thức khó như cụm từ cố định, thành ngữ hay các từ vựng nâng cao.

75% câu hỏi của đề thi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu và 25% câu hỏi còn lại của đề thi thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao. Đề thi mặc dù không xuất hiện câu hỏi đánh đố nhưng có một số câu khó hơn mặt bằng chung của chương trình lớp 9 như câu số 17, 24, 28, 29, 39 của mã đề 023.

Nhìn chung, với đề thi này, ngoài việc cần phải nắm vững kiến thức nền tảng về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng trong sách giáo khoa, thí sinh cũng cần phải có kỹ năng làm bài cẩn thận, tỉ mỉ vì các câu hỏi tuy không quá khó nhưng lại dễ gây nhầm lẫn.

Mức điểm phổ biến với bài thi lần này có thể rơi vào khoảng 6,5-7 điểm. Mức điểm 9 có thể nhiều nhưng để đạt được điểm 10 thì cần phải có kiến thức mở rộng tốt.

Cấu trúc đề thi bám sát các năm trước

Theo cô Đặng Thị Phượng - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội): Cấu trúc đề thi chính thức bám sát cấu trúc đề các năm trước, bao gồm 40 câu trắc nghiệm kiểm tra tổng hợp kiến thức ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, đọc hiểu và viết câu trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9 với thời lượng làm bài là 60 phút.

Đề có độ phân hóa tốt, vừa sức với thí sinh. Trên 70% thuộc câu hỏi nhận biết và thông hiểu, khoảng 20-25% câu hỏi của đề thi thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao.

Nội dung kiến thức được hỏi trong đề thi có độ phủ rộng; không kiểm tra các phần kiến thức khó như cụm từ cố định, thành ngữ.

Cô Đặng Thị Phượng - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội).

Cô Đặng Thị Phượng - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội).

Với đề thi này, thí sinh nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp cơ bản và từ vựng trong SGK có thể hoàn thành 65-75% bài thi; tuy nhiên nếu muốn đạt điểm cao, thí sinh cần phải mở rộng kiến thức và nâng cao kỹ năng làm bài.

Bài đọc chủ đề quen thuộc, từ vựng và câu hỏi không đánh đố học sinh. 1 số câu hỏi về từ vựng trong bài điền từ và bài đọc hiểu về từ vựng được đưa vào nhằm phân loại học sinh khá giỏi.

Tuy nhiên, học sinh dễ mất điểm ở dạng bài viết lại câu và sử dụng từ gợi ý viết lại câu nếu không nắm vững cấu trúc và đọc không kĩ đề bài.

Câu hỏi khó chủ yếu phần từ vựng

ThS Đỗ Thị Hồng Liên – giáo viên Trung tâm Edufly, Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét, đề thi tiếng Anh vào lớp 10 THPT của sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2023-2024 tương đối toàn diện. Hệ thống kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 8, lớp 9. Đề vừa sức với số đông học sinh. Những học sinh ôn tập kĩ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa có thể tự tin đạt từ điểm 6 trở lên.

Đa số câu hỏi tập trung vào kiểm tra năng lực nhận biết, thông hiểu và vận dụng đơn giản của học sinh. Tuy nhiên vẫn có một vài câu hỏi kiểm tra khả năng vận dụng cao nhằm mục đích phân loại dành cho học sinh khá giỏi.

Ở phần khả năng phát âm, các câu hỏi kiểm tra các âm cơ bản trong những từ khá quen thuộc nên không quá khó để học sinh đạt điểm phần này. Tuy nhiên câu hỏi về trọng âm có một số từ khó nên học sinh có thể bị mất điểm phần này.

Đối với các nhóm câu hỏi về về từ vựng và ngữ pháp, mặc dù rải rộng ở nhiều chủ điểm nhưng đều là những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, chỉ có 2, 3 có tính phân loại và học sinh khá trở lên hoàn toàn có thể làm được.

Phần câu hỏi hội thoại tương đối quen thuộc nên nhiều học sinh khả năng đạt điểm tối đa cho phần này.

Phần đọc hiểu trong đề thi năm nay tương đối vừa sức, mặc dù trong bài và trong phần câu hỏi có một số từ bậc cao, nhưng bài đọc không dài, câu hỏi không đánh đố. Vì thế học sinh luyện tập kĩ năng đọc hiểu ở mức khá có thể đạt điểm tối đa trong phần này

Phần viết lại câu, học sinh chỉ cần học và nhớ các cấu trúc viết lại câu cơ bản (nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9), có thể giải quyết tốt phần này.

Phần viết tìm câu gần nghĩa, hầu hết cấu trúc viết lại cũng rõ ràng và khác biệt, không khiến học sinh quá phân vân khi chọn. Học sinh chỉ cần học và nhớ các cấu trúc viết lại câu cơ bản nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9 có thể giải quyết tốt phần này. Câu hỏi duy nhất có tính phân loại là câu hỏi về trực tiếp gián tiếp.

Vì câu này để ở dạng câu hỏi hội thoại nên học sinh cần hiểu sâu và biết vận dụng được yếu tố ngữ pháp liên quan đến cấu trúc này mới có câu trả lời chắc chắn đúng. Nhìn chung, đề thi năm nay là dễ thở, những câu hỏi khó nếu có chỉ nhắm vào mảng từ vựng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ