Đảm bảo khung kiến thức mà vẫn hấp dẫn
Nhìn từ góc độ giáo viên và học sinh thì rõ ràng đây là một điều đáng mừng khi nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây đang có nhiều thay đổi và khi chỉ còn khoảng 150 ngày nữa để ôn luyện cả chương trình lớp 12 và lớp 11 (theo giới hạn ôn thi THPT Quốc gia năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) trước khi Kì thi THPT Quốc gia năm 2018 chính thức bắt đầu.
Giáo viên không phải hoang mang trước những thay đổi về cấu trúc, hình thức thi cử, không lo lắng về tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy như những năm rồi. Và rõ ràng, với kinh nghiệm đã được tích lũy ôn luyện theo định hướng kì thi vừa rồi thì cho dù câu nghị luận văn học (Câu 2, phần Làm văn) có thay đổi một chút để phù hợp với giới hạn ôn thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không phải là điều đáng lo ngại. Thêm nữa, yêu cầu phân hóa để đánh giá năng lực học sinh giỏi Văn chỉ chiếm khoảng 1,5/5,0 điểm dành cho câu nghị luận văn học, phần Làm văn. Nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ bình yên hơn.
Những điểm cần lưu ý
Điều đáng lưu ý nhất là câu nghị luận văn học, phần Làm văn vì năm nay, theo định hướng đề minh họa thì đề thi chính thức môn Ngữ văn sắp tới đây sẽ là dạng đề liên hệ. Xin trích dẫn câu nghị luận văn học của đề minh họa ra đây :
“Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo duc Việt Nam, 2016).
Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.”
Trong đó, yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản là yêu cầu chính, vấn đề bàn luận nằm trong các tác phẩm văn học Việt Nam của chương trình Ngữ văn lớp 12, chiếm 2,5/5,0 điểm (50%/ tổng điểm câu nghị luận văn học) dựa theo đáp áp - thang điểm đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT năm 2017. Còn yêu cầu phân hóa (có thể xem là yêu cầu thứ yếu) sẽ chỉ chiếm 1,5/5,0 điểm (20%/ tổng điểm câu nghị luận văn học).
Theo hướng này, thì rõ ràng đề minh họa lần này cũng rất hợp lý, hợp lý với về dung lượng thời gian làm bài lẫn đảm bảo về giới hạn khung kiến thức chương trình Ngữ văn 11 và 12. Còn bàn về tính hấp dẫn thì rõ ràng, đây cũng là một định hướng hứa hẹn đề thi chính thức môn Ngữ văn của Kỳ thi THPT Quốc gia lại rất đáng chờ đợi.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, để liệt kê ra những vấn đề trong các tác phẩm trong chương trình 12 và 11 để liên hệ lại rất ít hoặc buộc phải đi sâu vào từng chi tiết, khía cạnh để tìm ra vấn đề có thể liên hệ.
Vì vậy có thể nói, đây vừa những điểm cần lưu ý, vừa là một lợi thế. Cần lưu ý ở đây là vì rất ít vấn đề có thể liên hệ cho yêu cầu nâng cao, phân hóa năng lực học sinh. Lợi thế vì càng ít vấn đề liên hệ, giới hạn trọng tâm theo đó cũng thu hẹp lại, nghĩa là chỉ cần ôn theo hướng liên hệ mà thôi. Nhưng rủi ro lại vô cùng cao, vì có chắc là chỉ ra dạng đề liên hệ hay không? Hay sắp tới đây, đề thi chính thức lại chỉ ra trong chương trình lớp 12 hoặc chương trình lớp 11. Đây cũng là vấn đề mà không ít giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn đang quan tâm!