Đề thi môn Giáo dục Công dân nhiều câu hỏi sát với thực tế

GD&TĐ - Ngày 8/7, sau khi kết thúc làm bài thi tổ hợp theo đánh giá của nhiều giáo viên môn giáo dục công dân, đề thi có nhiều câu hỏi hay, thực tế. Thí sinh có cơ hội phát huy được khả năng tư duy, lập luận của mình.

Đề thi môn Giáo dục Công dân nhiều câu hỏi sát với thực tế

Nội dung đề bám sát đề thi minh họa

Theo đánh giá của cô Trần Thị Nha Trang – giáo viên môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh): Đề thi môn Giáo dục Công dân 2022 cơ bản bám nội dung ma trận đề minh họa trước đó Bộ GD&ĐT đã công bố.

Tuy nhiên ở mức độ vận dụng cao cách hỏi không sát với đề tham khảo (tình huống ngắn hơn chứ không dài như đề tham khảo) đó cũng là một cái để học sinh không bị bỡ ngỡ, giảm áp lực cho học sinh.

Đồng thời, cách hỏi khác này đòi hỏi học sinh phải nhạy bén, nhất là câu 117 về nội dung khiếu nại, tố cáo.

Câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu tính nhiễu trong các đáp án theo mức 50/50 (có 30 câu).

Đề thi có 04 câu của chương trình lớp 11 là câu 88, câu 96, câu 105, câu 108 với 2 mức độ nhận biết và thông hiểu.

Cô Trần Thị Nha Trang – giáo viên môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.

Cô Trần Thị Nha Trang – giáo viên môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.

Nhìn chung với đề năm nay, học sinh trung bình và yếu làm được từ 5 điểm đến 6 điểm, học sinh khá làm được trên 7 điểm, có điểm 10 nhưng không nhiều như năm 2021.

Đề này đòi hỏi kỹ năng nhận diện nội dung bài học để trả lời các câu hỏi, các câu tình huống học sinh cần có kỹ năng đọc ngược câu hỏi, nghĩa là đọc xem họ hỏi vấn đề gì rồi mới đọc tình huống để tìm câu trả lời.

Với đề thi này, thí sinh sẽ rất thích, rất phấn khởi khi những câu hỏi sát với thực tế cũng như kiến thức được học, không mang tính đánh đố.

Đỉnh của phổ điểm sẽ dao động ở mức 8- 8,75 điểm

Thầy Trương Văn Minh - giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Về môn Giáo dục công dân, 95% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 5% câu hỏi thuộc lớp 11. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ nhận biết – thông hiểu. 25% thuộc mức vận dụng thấp và vận dụng cao.

Đề thi bám sát ma trận đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Các câu hỏi vận dụng cao đều thuộc chương trình lớp 12 ở các chủ đề quen thuộc.

Đề thi năm 2022 so với đề thi năm 2021 có khó hơn một chút nhưng điều này hoàn toàn hợp lý trong điều kiện bối cảnh học sinh được quay trở lại học trực tiếp tại trường sau thời gian học trực tuyến kéo dài và gián đoạn.

Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm sẽ dao động ở mức 8- 8,75 điểm, số lượng điểm 10 vẫn sẽ có rất nhiều.

Đề thi môn Giáo dục Công dân mang tính thực tiễn cao

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn giáo dục công dân hay và có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Để làm bài thi giáo dục công dân tốt, ngoài những kiến thức sách giáo khoa, thí sinh còn cần linh hoạt áp dụng vào các tình huống câu hỏi đưa ra.

Theo chia sẻ của thí sinh Ngô Minh Ngọc (điểm thi Trường Trung học phổ thông Đống Đa, thành phố Hà Nội): “Em khá tự tin với bài làm của mình. Đề thi tập trung vào kiến thức lớp 12 do vậy thí sinh không quá vất vả để làm bài.

Bên cạnh đó, đề thi cũng phân loại thí sinh. Đối với đề này, những câu hỏi đến pháp luật khá thực tiễn với cuộc sống do vậy chỉ cần áp dụng thực tế cũng có thể tìm được đáp án”.

Theo Minh Ngọc, đề thi mang tính ứng dụng do vậy thí sinh không bị nặng về học thuộc mà cần có tư duy phân tích, lập luận để đưa ra được đáp án chính xác.

Đối với những câu về cuối, độ khó càng tăng dần vì vậy nếu không cân bằng thời gian thì sẽ bị rối khi làm những câu về cuối. "Với đề thi này, em dự kiến làm được gần 9 điểm", Minh Ngọc nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Hà Nội có 97.953 thí sinh đăng ký dự thi. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến 17h ngày 6/7, toàn thành phố có 21 thí sinh diện F0, trong đó có 11 thí sinh diện F0 tự nguyện đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ