Đến làm việc, chứng kiến không khí làm việc tại các Ban chỉ đạo thi, mới thấy, có hàng núi công việc cần phải lo để có thể tạo ra không khí bình yên, trật tự sau cánh cổng trường thi.
GS. TS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi - cho biết: Để có 3 buổi thi, việc đầu tiên của trường là phải họp Hội đồng trường để thống nhất chỉ tiêu tuyển sinh. Sau đó chuẩn bị tài liệu và làm công tác tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh đến các thí sinh, trường THPT; nhận hồ sơ tại trường và các Sở GD&ĐT; kiểm tra, xử lý hồ sơ; hợp đồng địa điểm thi; sắp xếp phòng thi, số báo danh cho thí sinh… và rất, rất nhiều những công việc khác.
Đặc biệt, để có được đề thi đến tay thí sinh, những thành viên trong Ban đề tại các Hội đồng thi phải thức dậy từ 3 giờ sáng.
“Ban đề do một phó hiệu trưởng phụ trách. Từ 3 giờ sáng, người có trách nhiệm lấy đề thi đã phải chuẩn bị lên đường, cùng đi có trưởng điểm thi, thư ký và một người của PA83 hộ tống; đảm bảo 5 giờ sáng, đề đã phải bàn giao xong tới các điểm thi” - GS. TS Nguyễn Quang Kim cho biết.
Những tình huống xấu nhất có thể xảy ra cũng được lường trước. Ví dụ, quãng đường đến nơi lấy đề thi bao xa, mất thời gian bao lâu đã được tiền trạm. Rồi phương tiện, nhiều khi chỉ cần 1 ô tô là đủ nhưng có khi vẫn bố trí đến 2 để chẳng may một xe hỏng sẽ có cái khác thay thế… Tất cả đều có phương án dự phòng.
Công việc của những người làm công tác thi cũng căng thẳng không kém thí sinh, trong đó có giám thị coi thi.
Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Hương làm công tác coi thi tại Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Đâu chỉ thí sinh hồi hộp, các giám thị cũng không kém căng thẳng khi bước vào phòng thi.
Căng thẳng bởi áp lực phải làm thật tốt công việc, nếu chẳng may sai sót, không chỉ một cá nhân ảnh hưởng mà còn liên quan đến uy tín của cả tập thể.
Đó là chưa kể, hiện nay những thiết bị công nghệ cao có thể giúp thí sinh gian lận trong thi cử thay đổi liên tục và các giám thị không phải ai cũng biết, hiểu, cập nhật được đầy đủ thông tin.
“Trong phòng thi, một mặt phải căng mình để đảm bảo sự nghiêm túc của phòng thi, một mặt làm sao để thí sinh bớt căng thẳng để các em làm bài tốt nhất. Nên, công việc của người giám thị không hề nhẹ nhàng” - chị Hương tâm sự.
Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại ghi lại hình ảnh những công việc "bếp núc" tại một số Hội đồng thi: