Thầy Lê Huy Vũ, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Chu Văn An, An Giang phân tích nội dung kiến thức của đề tham khảo môn Hóa học chủ yếu kiến thức ở lớp 12 (có 36 câu chiếm 90%); kiến thức lớp 11 có 4 câu (chiếm 10%). Nội dung kiến thức giảm tải mà Bộ GD&ĐT mới công bố không xuất hiện trong đề thi.
Về mức độ, theo thầy Lê Huy Vũ, có khoảng 22 câu ở mức độ biết và hiểu (chiếm 55%); khoảng 18 cầu mức độ vận dụng và vận dụng cao (chiếm 45%). Trong đề có tổng số 26 câu lý thuyết (chiếm 65%) và 14 câu toán (chiếm 35%). Trong 14 câu toán có 6 câu toán chỉ tính toán 1 đến 2 bước (chiếm 15%) và 8 câu toán tính qua nhiều bước (bài toán phức tạp) chiếm 20%. Đề có 1 câu đồ thị, kKhông có câu hình thí nghiệm.
Nhận định về đề tham khảo Hóa học, thầy Đặng Xuân Chất, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội cho rằng, đề có sự cân bằng giữa vô cơ và hữu cơ, tỉ lệ lí thuyết và bài tập tương tự so với các năm, kiến thức vẫn rơi chủ yếu vào lớp 12 và lớp 11. Giống như hướng dẫn tinh giản các kiến thức thuộc học kì 2 lớp 12 giảm về phạm vi kiến thức lẫn độ khó, cụ thể:
Đề có 7 câu thuộc kiến thức lớp 11 chiếm 17,5% (11 câu) còn lại là kiến thức lớp 12. Có 19 câu vô cơ, 21 câu hữu cơ tỉ lệ cân bằng giữa vô cơ và hữu cơ.
“Đề tham khảo có độ khó giảm sơ với các đề minh họa và thi thật của các năm trước, số câu khó chỉ từ 3-4 câu tập trung chủ yếu vào các bài tập tính toán hóa học thuộc phần kiến thức học kì I lớp 12 (este, muối amoni, điện phân). Với mức độ như đề tham khảo, học sinh khá có thể đạt mức điểm 8” – thầy Đặng Xuân Chất cho hay.
Từ đề tham khảo, thầy Chất lưu ý học sinh, số câu hỏi khó thuộc phần kiến thức vô cơ (học kì II lớp 12) giảm. Đề không có các kiến thức trong phần hướng dẫn tinh giản mà Bộ GD&ĐT vừa công bố (chú ý chương trình lớp 12), nên học sinh cần phân tích kĩ để đưa ra hướng ôn tập phù hợp. Đặc biệt, cần tập trung ôn tập kĩ lý thuyết và làm chắc chắn các bài tập cơ bản thay vì sa đà vào làm các câu khó.