Để sư phạm trở thành ngành “hot”

GD&TĐ - Tuyển sinh vào các trường sư phạm và việc làm cho giáo sinh sau khi tốt nghiệp không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ hết tính thời sự. Mới đây, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung này lại làm “nóng” nghị trường một lần nữa.  

Thí sinh tham gia tư vấn ngành học sư phạm
Thí sinh tham gia tư vấn ngành học sư phạm

Rất nhiều đại biểu đề nghị, cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng giáo viên (GV), nhất là SV sư phạm sau khi tốt nghiệp. Đáng chú ý là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi ông đề xuất tuyển dụng GV như quân đội là tốt nhất.

Ai cũng biết GV là nghề đặc thù và làm công việc đặc biệt. Tuy nhiên, việc tuyển dụng, sử dụng GV chưa thể hiện rõ tính chất đặc thù và đặc biệt của công việc này. Thực tế hiện nay cho thấy, việc tuyển dụng và đào tạo trong ngành sư phạm chưa thực sự gắn với nhu cầu của các địa phương. SV trong các trường sư phạm ra trường nhiều em không có việc làm đúng chuyên ngành, phải rẽ ngang sang ngành nghề khác, gây lãng phí nguồn nhân lực và tiền bạc của Nhà nước.

Nhận định này không phải là không có cơ sở bởi Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng GV đã và đang đặt ra nhiều vấn đề: Số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới GD… Do đó, cần quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và có chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành GD (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức) đối với GV các cơ sở GD công lập.

Xuất phát từ thực tế, dự thảo Luật GD (sửa đổi) đề xuất chuyển từ cơ chế miễn học phí sang cơ chế cho vay tín dụng đối với SV sư phạm. Đề xuất này được dư luận ghi nhận là tiến bộ, tuy nhiên mới chỉ giải quyết được bài toán lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước. Còn gốc rễ của vấn đề là thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và giải quyết việc làm cho SV sau khi ra trường thì vẫn chưa thực sự là giải pháp căn cơ.

Tại rất nhiều diễn đàn, thậm chí là nghị trường của Quốc hội và mới đây nhất là Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đề xuất, cần có cơ chế phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp. Tức là SV sư phạm ra trường sẽ không phải lo thất nghiệp và thi công chức, viên chức mà sẽ được xếp việc ngay, giống như SV trong khối lực lượng vũ trang.

Báo cáo Kết quả lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật GD (sửa đổi), đa số các ý kiến đề nghị phải bổ sung vào dự thảo Luật quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với GV các cơ sở GD công lập, nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay. Những đề xuất trăn trở trên cho thấy, ngành sư phạm vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội.

Tất nhiên, nếu có cơ chế đặc thù thì cũng phải có cơ chế ràng buộc. Chẳng hạn như, các trường sư phạm chỉ đào tạo theo chỉ tiêu và nhu cầu của ngành SV. Điểm đầu vào các trường sư phạm phải rất cao và sau khi ra trường SV phải tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của Nhà nước. Thiết nghĩ, nếu các cơ chế này kết hợp với cơ chế tiền lương, chế độ đãi ngộ tương xứng với nhà giáo thì tin rằng, ngành sư phạm sẽ trở thành ngành “hot” trong xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ