Nhật Bản: Giảm gánh nặng trên vai giáo viên

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng làm việc quá giờ của giáo viên.

Nhật Bản: Giảm gánh nặng trên vai giáo viên

Giờ làm việc dài ở mức có nguy cơ tử vong

Một nghiên cứu năm 2016 của Bộ Giáo dục cho thấy, khoảng 30% giáo viên tiểu học công lập và khoảng 60% học sinh THCS làm việc hơn 60 giờ/tuần – mức tăng cao hơn nhiều so với nghiên cứu trước được thực hiện năm 2006.

Số giờ làm việc trên có nghĩa là vượt quá 20 giờ/tuần so với định mức, tức mỗi tháng vượt quá 80 giờ.

Con số trên gây sốc dư luận bởi Bộ Sức khoẻ, Lao động và Phúc lợi phân mức độ làm việc quá 80 giờ/tháng có nguy cơ vượt ngưỡng karoshi (tử vong do làm việc quá giờ).

Năm ngoái, một Ủy ban tư vấn Bộ Giáo dục khuyến cáo 14 công việc được mặc định thuộc trách nhiệm giáo viên cần được phân thành 3 loại: Những công việc cần loại khỏi trách nhiệm giáo viên; những công việc không cần thiết được thực hiện bởi giáo viên; và những công việc cần giáo viên thực hiện nhưng ở mức độ thấp hơn.

14 công việc trải rộng từ dạy thể thao cho học sinh sau giờ học, tổ chức các hoạt động văn hoá, giám sát học sinh đến và rời khỏi trường, chuẩn bị bài giảng…

Bên cạnh khuyến cáo, Bộ Giáo dục cũng đang xây dựng bộ quy định hướng dẫn ban giám hiệu các trường phân loại những trách nhiệm nào thuộc về giáo viên và những trách nhiệm nào nên giao về cơ quan quản lí giáo dục địa phương.

Hỗ trợ hữu hiệu từ địa phương

Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu chung tay giải quyết vấn đề làm việc quá giờ của giáo viên. Ví dụ, chính quyền Noda, quận Chiba, thực hiện một chương trình từ năm 2017 cho phép phụ huynh và các tình nguyện viên cộng đồng hỗ trợ giáo viên các công việc đơn giản như phân phát tài liệu cho học sinh, chấm trò chơi đố chữ… - theo đề nghị của giáo viên.

Chương trình này cũng bảo đảm cho giáo viên có thêm thời gian chuẩn bị cho giờ học và giải quyết các sự vụ với học sinh – theo một cán bộ Phòng Giáo dục Noda. Một nghiên cứu được thực hiện bởi chính quyền Noda hồi tháng 10 năm ngoái cho thấy, mức làm việc quá giờ của giáo viên tiểu học từ 80 giờ/tháng trở lên năm 2016 hiện đã giảm 56%.

Kết quả khả quan này khiến Bộ Giáo dục quyết định triển khai trên toàn quốc “nhân viên hỗ trợ trường học” – theo kế hoạch ngân sách năm tài chính 2018, bắt đầu từ tháng 4.

Dạy học sinh thể thao sau giờ học và tổ chức hoạt động văn hoá là những lí do chính dẫn tới quá giờ làm của giáo viên. Thành phố Tajimi, quận Gifu, từ năm 2002 đã hợp tác với các “câu lạc bộ trẻ” do phụ huynh và tình nguyện viên địa phương lập ra, tổ chức hoạt động thể thao và văn hoá cho trẻ em. Các hoạt động sau giờ học dưới sự hướng dẫn của giáo viên nay được hạn chế giảm thiểu. Các huấn luyện viên câu lạc bộ chịu trách nhiệm hầu hết hoạt động trên cả hàng ngày lẫn cuối tuần.

Mặc dù ban đầu vấp phải sự phản đối, chương trình vẫn đạt hiệu quả tốt “nhờ sự thấu hiểu và hợp tác từ phụ huynh” – cán bộ Phòng Giáo dục Tajimi cho biết.

Bộ Giáo dục đang lên kế hoạch xây dựng quy định về hạn chế giờ làm việc của giáo viên trong khi tuyên truyền tới các cấp quản lí GD và trường học về những nỗ lực thành công trong giảm giờ làm giáo viên, như được thực hiện tại Noda và Tajimi.

“Tôi hy vọng giảm giờ làm việc kéo dài của giáo viên sẽ giúp họ cải thiện hiệu quả hơn chất lượng giáo dục” – Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.