Để rèn học sinh nội trú tính tự lập

GD&TĐ - Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phải tự thân vận động từ học tập đến hoạt động ngoài giờ lên lớp, thiết lập các mối quan hệ mới cho đến ăn, ở, đi lại... mà không có sự trợ giúp của gia đình và cha mẹ.

Để rèn học sinh nội trú tính tự lập

Cuộc sống ở nội trú đòi hỏi các em phải có khả năng sống tự lập rất cao. Do đó, rèn tính tự lập trở thành đòi hỏi vô cùng quan trọng cho các học sinh học tập tại những trường này.

Những nội dung giáo dục nhà trường cần lưu ý

Ông Nguyễn Phùng Đạt - Phó Ban Giáo dục dân tộc miền núi (Sở GD&DDT Nghệ An) - cho rằng: Để giúp học sinh có tính tự lập, nhà trường cần tiến hành nhiều nội dung giáo dục.

Trong đó, trước hết là việc hướng dẫn học sinh biết tự rèn luyện tính tự lập trong sinh hoạt hằng ngày, biết thực hiện thời gian biểu trong ngày mà nhà trường đã đề ra một cách tự giác.

Tính độc lập nhận thức về nghĩa rộng là sự sẵn sàng tâm lý đối với việc tự học.

Theo nghĩa hẹp, tính độc lập nhận thức là năng lực, phẩm chất, nhu cầu học tập và năng lực tự tổ chức học tập, cho phép người học tự phát hiện, tự giải quyết vấn đề, tự kiểm tra, tự đánh giá hoạt động học tập của mình và qua đó cho phép người học hình thành sự sẵn sàng về mặt tâm lý cho việc tự học.

Ông Nguyễn Phùng Đạt

Các em cần có khả năng tự chăm sóc bản thân từ ăn ở, đi lại cho đến chi phí sinh hoạt. Biết chi tiêu có kế hoạch, đúng mục đích. Tự giác thực hiện thời gian biểu trong ngày: Giờ ăn, giờ ngủ, giờ học, giờ tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp....

Đồng thời, luôn thường trực ý thức vệ sinh trong nhà, ngoài sân, vệ sinh cá nhân. Khi ngủ, biết tự căng màn, rải chăn... Ngủ dậy tự gấp chăn màn gọn gàng.

Biết thực hiện kỹ năng cơ bản mà học sinh sống nội trú cần có, như tự chăm sóc bản thân, lao động tự phục vụ: tự gặt giũ để có những bộ quần áo sạch sẽ; tự chủ động làm những việc mình cần làm mà không cần người khác nhắc nhở.

Chú ý rèn luyện để học sinh tự tin trước đám đông, không rụt rè nhút nhát khi phát biểu hay tham gia các hoạt động trong trường, lớp. Các em biết tự mình làm những việc trong khả năng có thể, không ngại khó, ngại khổ để rồi bỏ cuộc nửa chừng.

Các em cần được giáo dục tính tự chủ để tự lập trong học tập, biết chủ động thực hiện theo thời khoá biểu để đến phòng học hay phòng chức năng đúng giờ; chủ động chuẩn bị bài vở đầy đủ; có khả năng độc lập nhận thức...

Nhà trường cũng cần giáo dục các em biết phân biệt điều tốt, điều xấu để các em có thể say mê vươn tới những mục đích cao đẹp để thể hiện mình. Biết nói không với điều xấu, nói không với những tình cảm không lành mạnh và những môi trường không lành mạnh; dám suy nghĩ và chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình.

Ông Nguyễn Phùng Đạt cho rằng, sống tự lập là kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ, nhưng cũng cần phải dung hòa kỹ năng này với quan hệ gia đình.

Học sinh nội trú cần phải sống tự lập nhưng tình cảm giữa cha mẹ và con cái vẫn là nền tảng quan trọng cần được duy trì.

Dù có sống độc lập đến đâu, đi xa đến nơi nào thì vẫn luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với gia đình. Do đó, nhà trường nên động viên các em viết thư hoặc có những hình thức phù hợp để thường xuyên liên lạc với gia đình.

Bên cạnh đó, Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được nhà nước đài thọ, không phải quá lo lắng cho việc ăn, ở...

Khi quen được đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống, khi mọi chuyện đến quá dễ dàng, người ta có xu hướng ỷ lại và phụ thuộc, đùn đẩy công việc cho người khác dẫn đến tính ích kỉ.

Lối suy nghĩ như vậy rất dễ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân sau này. Do đó, nhà trường cần giáo dục các em chăm lo tới công việc tập thể, đưa các em hòa vào các sinh hoạt tập thể mà nhà trường tổ chức.

Những biện pháp giúp học sinh có tính tự lập

Theo ông Nguyễn Phùng Đạt, để rèn học sinh tính tự lập, phải làm cho các em hiểu mục đích rèn luyện tính tự lập và có phương pháp rèn luyện khả năng tự lập.

Để có thể tự lập, mỗi người phải có sự nỗ lực, bền bỉ, có chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn. Các em cần suy nghĩ xem mình cần phải làm gì để có cuộc sống tự lập.


Cần giao cho học sinh những việc cụ thể để các em tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Cơ hội phát triển dành cho tất cả học sinh, không chỉ tập trung ở vài học sinh nổi bật.

 Từ các giờ học trong lớp đến các hoạt động văn hoá, thể thao mỗi học sinh đều có nhiệm vụ rõ ràng và luân phiên thực hiện vai trò lãnh đạo. Có như vậy, các em mới tự tin, năng động và luôn cố gắng thực hiện phần việc của mình với trách nhiệm cao nhất.

Để rèn tính tự quản cho học sinh trong lớp, trước hết rèn tính tự quản cho đội ngũ cán bộ (lớp, đoàn, đội). Giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tự quản lý, điều hành, giải quyết mọi công việc của tập thể khi không có mặt giáo viên, người phụ trách.

Để có đội ngũ này làm việc tốt, cần lựa chọn phân công việc làm phù hợp với khả năng từng em, huấn luyện phương pháp làm việc, hướng dẫn cách xây dựng và trình bày sổ sách khoa học, đầy đủ, hợp lý...

Nên tổ chức phổ biến rộng rãi phương pháp học tập để các em có khả năng tự lập trong học tập. Các em có kĩ năng tự học hỏi, nghiên cứu để hiểu bài sâu sắc, nhờ đó, khi làm bài không quay cóp, nhờ cậy bạn bè trong các kỳ thi.

Giờ tự học buổi chiều, buổi tối là khoảng thời gian không có giáo viên, các em tự quản, tự giữ kỉ luật trên lớp. Đội ngũ các bộ lớp có vai trò quan trọng trong các giờ tự quản. Bên cạnh đó, ý thức tự giác của mỗi học sinh là yếu tố quyết định trong giờ tự quản tốt hay không. Giáo viên yêu cầu học sinh giữ kỉ luật trong các giờ tự quản này.

Rèn luyện cho học sinh biết chủ động trau dồi kiến thức của mình khi tiếp thu bài giảng của thầy cô trong lớp cũng như sau khi tan học.

Biết chủ động tìm đến thư viện để đọc thêm tài liệu, học nhóm với bạn bè cùng lớp hoặc tự rèn luyện tại nhà. Luôn luôn đặt câu hỏi cho những kiến thức mới học để có thể hiểu một cách sâu sắc và vận dụng nó vào thực tiễn chứ không chỉ học thuộc bài để đối phó.

Luyện cho học sinh tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân từ việc ngành nghề cho đến học hành. Tìm hiểu những điểm mạnh yếu của bản thân để phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chính mình.

Luyện cho các em tập quản lý quỹ thời gian. Mỗi ngày, tự lên kế hoạch thực hiện các công việc với những thời gian định trước, vào cuối ngày, ghi chép lại những việc đã hoàn thành rồi tự phân tích, kết quả thực hiện, thời gian thực hiện…. Từ đó điều chỉnh lại cho thích hợp.

“Trong quá trình thực hiện, khuyên các em kiên định để tập lập nên một thói quen làm việc đều đặn hằng ngày. Áp dụng điều này cho việc làm các bài tập về nhà, các công việc hàng ngày khác của các em để mọi việc dần dần đi vào nền nếp.

Bằng cách này, các em có thể tránh được sự chần chừ không đáng có, sẽ dần dần có khả năng tự chủ và hoàn thành” - Ông Nguyễn Phùng Đạt cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ