Đề nghị từ năm 2016, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 18%

Đề nghị từ năm 2016, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 18%
(GD&TĐ) - Việc giảm thuế thu nhập giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tuy nhiên nhiều nhà lập pháp cho rằng, những điều kiện quy định quá khó khăn, cứng nhắc khiến doanh nghiệp khó được hưởng.
Thảo luận tại phiên họp của QH sáng 29/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ĐBQH đồng tình thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các mức như Chính phủ đề xuất.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tập trung vào việc sửa đổi một số nhóm vấn đề như bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi (ngoài các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo Luật Thuế TNDN hiện hành).
Dự thảo được trình lên Quốc hội tại kỳ họp này đã bổ sung vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư để bao quát những khoản thu nhập mới phát sinh, đồng thời loại khoản “hoàn nhập dự phòng” khỏi thu nhập khác cho đúng bản chất (hạch toán giảm chi phí).

Các đại biểu làm việc toàn thể tại Hội trường thảo luận về các dự án Luật
Các đại biểu làm việc toàn thể tại Hội trường thảo luận về các dự án Luật
Băn khoăn điều kiện hưởng ưu đãi thuế suất
Từ 2009 đến 2012, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và thuế suất thuế TNDN giảm từ 28% xuống 25% nhưng số thu ngân sách nhà nhà nước vẫn tăng trưởng bình quân 21,85%.
Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 theo hướng giảm dần mức động viên, Dự thảo quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%. Với DN sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.
Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành đối với các mức thuế này; tuy nhiên, cũng có rất nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại đối với quy định được đặt ra của dự thảo về điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất, đặc biệt là với những DN vừa và nhỏ.
Cụ thể theo dự thảo, những DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ được áp dụng thuế suất 20%, tức là thấp hơn 2% so với mức thuế phổ thông. Đây được coi là mức ưu đãi với những DN thuộc diện vừa và nhỏ. Đối với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng không thực tế với tình hình hoạt động của DN hiện nay. Nếu xét với số lượng lao động như vậy thì doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm là quá nhỏ đối với hầu hết các DN; có lẽ đủ chỉ để trả lương cho lao động, thậm chí có thể không đủ nếu DN có quy mô hoạt động hơi lớn một chút.
Nghĩa là, theo một số ý kiến đưa ra thì những DN đủ điều kiện được hưởng thuế suất 20% không thể gọi là DN vừa và nhỏ, mà là thuộc diện “siêu nhỏ”, thậm chí có thể đang chờ phá sản. Bởi vậy, đã có nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng hơn để hỗ trợ cho DN có đà phát triển hơn để họ kinh doanh tốt hơn, thay vì chỉ hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN khó có khả năng phát triển. Chưa kể thực tế đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay lại vẫn đang được hưởng thuế suất từ 15% đến 20% suốt vòng đời dự án.
Với bất cập đó, nhiều đại biểu đã mạnh dạn đề nghị cần giảm thuế suất xuống 20% và tiếp tục giảm xuống 18% trong năm 2016 không phân biệt quy mô DN.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến tại nghị trường QH
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến tại nghị trường QH
Khống chế trần quảng cáo là tự "bó" doanh nghiệp
Bày tỏ sự nhất trí đối với hầu hết các nội dung đề xuất này, nhưng đối với nội dung quy định về chi phí quảng cáo của DN lại vấp quan điểm trái chiều của rất nhiều đại biểu tham gia thảo luận tại nghị trường sáng 29/5 về Dự thảo Luật. Cụ thể trong Dự thảo Luật được trình lên Quốc hội đã có đề xuất tăng mức khống chế chi môi giới, hoa hồng, quảng cáo của DN từ 10% lên 15% so với Luật hiện hành. Đánh giá đây là một bước tiến lớn của Luật, nhưng không ít đại biểu vẫn cho rằng việc tiếp tục duy trì trần khống chế chi quảng cáo là không thích hợp, cần mạnh dạn loại bỏ để tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa xây dựng, phát triển thương hiệu.
Theo khá nhiều đại biểu, quy định này đi ngược với xu thế của thế giới hiện nay, khi ở hầu hết các quốc gia đều không còn áp dụng trần khống chế chi phí quảng cáo của DN nữa. Thậm chí đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) còn cho rằng việc tiếp tục đặt giới hạn chi phí quảng cáo là tự trói tay DN chứ không phải là hỗ trợ. Đồng quan điểm, nhiều đại biểu phân tích thực tế DN có nhiều loại lớn – nhỏ, việc khống chế một mức gây bất lợi cho DN vừa và nhỏ, vì với mức chi 15% tổng chi phí là tuyệt đối nhỏ, DN khó xây dựng thương hiệu.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự Luật này  ngày 19/6/2013.
Cùng ngày 29/5, Quốc hội đã nghe và thảo luận dự án Luật tiếp công dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ