(GD&TD)-Sáng 22/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, hai vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội là giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu của người lao động.
ảnh chỉ có tính minh họa |
Trong khi có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở khoa học của việc tăng thời gian làm thêm lên mức 360 giờ/năm thì có không ít ý kiến không đồng tình và cho rằng đề xuất này đi ngược với xu thế phát triển.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Nình Bình), cần làm rõ việc người lao động muốn làm thêm giờ hay tình thế bắt buộc người lao động phải làm vậy.
Khẳng định việc tăng số giờ làm thêm là không hợp lý, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho rằng nếu tăng giờ làm thêm người lao động sẽ không có thời gian dành cho gia đình. Vì vậy, thời gian làm thêm giờ nên giữ như luật hiện hành, nếu tăng có thể ở mức 25% và khống chế không quá 200 h/năm.
Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm vì họ được lợi từ việc giảm chi phí (không phải đóng thêm BHXH, BHYT...), còn người lao động làm thêm vì muốn tăng thêm thu nhập.
Song theo nhiều đại biểu, vấn đề mấu chốt cần có chính sách tiền lương phù hợp có sự hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời cần có tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu của người lao động, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tập trung vào 2 luồng ý kiến.
Quan điểm thứ nhất cho rằng giữ như hiện tại: lao động nữ là 55 tuổi, nam 60 tuổi.
Theo ý kiến này, các đại biểu cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sức khỏe người lao động, bởi với quy định như vậy người lao động sẽ có 10 năm để nghỉ ngơi sau khi đã cống hiến.
Luồng ý kiến không đồng tình thì đề nghị cần nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60. Theo các đại biểu Chu Sơn Hà, Bùi Thị An (Hà Nội), quy định như hiện nay không tạo sự bình đẳng giới, làm lãng phí chất xám của đội ngũ trí thức nữ.
Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về đảm bảo mức lương và quyền lợi của người lao động; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ.
Nhiều lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản 4 tháng đến cơ quan làm việc phàn nàn là con còn nhỏ không biết gửi cho ai và vẫn cảm thấy mệt mỏi khi làm việc. Để đảm bảo sức khoẻ tái sản xuất cho lao động là nữ và có thêm thời gian chăm sóc con cái, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ sẽ giúp cho người mẹ có thêm thời gian chăm sóc con nhỏ, đứa trẻ có thể cứng cáp hơn để người mẹ đi gửi nhà trẻ và yên tâm đi làm.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) kiến nghị: Nên tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng. Riêng đối với lao động nữ làm việc ở những môi trường độc hại thì cũng nên tăng thêm thời gian nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con.
Liên quan đến thời gian nghỉ của người lao động, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ Tết, nghỉ lễ cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình để tái sản xuất sức lao động.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) đề nghị: Người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tiền lương và mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Theo quan điểm của đại biểu, doanh nghiệp sử dụng lao động cần có trách nhiệm đảm bảo tiền lương, quan tâm, chia sẻ đến điều kiện sống của lao động. Đây cũng là yếu tố duy trì uy tín của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Những cuộc đình công diễn ra chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân do sự bất đồng với tiền lương, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc… Để giải quyết vấn đề này, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp phải là đầu mối thương lượng và gắn kết để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động; cần có sự thương lượng tập thể giữa cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động thông qua tổ chức công đoàn.
Minh Duy