Đề nghị giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh

Đề nghị giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh

(GD&TĐ)-Sáng 29/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp.

đ
Đại biểu phát biểu tại hội trường

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp.

Theo đó, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Công an.

ĐBQH Nguyễn Đức Chung (Hà Nội)  đồng ý với chủ trương giao giám định tử thi cho Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, điều này không ảnh đến giám định pháp y ngành y tế. Giám định viên pháp y y tế chủ yếu nằm trong các khoa giải phẫu bệnh, thực tế nhiều năm nữa, ngành y tế mới xây dựng được lực lượng giám định viên pháp y. Nếu chúng ta bỏ giám định viên pháp y tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh sẽ rất lãng phí lực lượng giám định viên pháp y cả về vật chất lẫn chất xám. Đại biểu đồng ý với việc tồn tại 2 cơ quan giám định pháp y. Đây sẽ là cơ hội để lựa chọn vì mỗi ngành đều có thế mạnh riêng của mình. 

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y trong Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Lý giải vấn đề này, đại biểu cho rằng, lực lượng này đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, trong khi đó, nếu chuyển sang ngành Y tế sẽ mất thời gian rất dài để hoàn thiện hoạt động, đây là trở ngại rất lớn. ĐBQH Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) ủng hộ phương án 2 trong quy định tổ chức giám định pháp y công lập. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tổ chức giám định pháp y các tỉnh trong ngành y tế chưa được kiện toàn, trong khi đội ngũ giám định viên pháp y trong Phòng Kỹ thuật hình sự đang hoạt động hiệu quả, dày dạn kinh nghiệm. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng đề nghị giữ lại tổ chức giám định pháp y trong cơ quan Công an tỉnh...

j
Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên giám định pháp y thuộc Công an cấp tỉnh (ảnh MH)

Với cách nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) tán thành với phương án 1 được quy định trong dự Luật về tổ chức GĐTP công lập. Việc tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế sẽ khắc phục hiện tượng phân tán của giám định viên; tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư phát triển ngành giám định pháp y theo hướng chuyên trách đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng giám định. Theo đại biểu, hoạt động giám định pháp y là hoạt động chuyên môn của ngành y tế, để có kết luận giám định chính xác, giám định viên cần có sự hỗ của cơ sở vật chất, máy móc chuyên ngành. Giám định viên ngành y tế đã có thời gian phát triển, được thành lập từ Trung ương đến cấp tỉnh và cơ bản được kiện toàn.

Bên cạnh đó, số lượng giám định viên ngành Y tế nhiều hơn ngành Công an, thực hiện nhiều vụ việc hơn. Mặt khác, hoạt động giám định pháp y trong ngành Công an cũng có giới hạn và hạn chế nhất định, nhiều giám định viên chưa có đủ trình độ chuyên môn; không bảo đảm sự khách quan trong công tác điều tra, đặc biệt là những vụ việc người bị thương, bị chết trong quá trình điều tra, tạm giam hoặc giam giữ. Trên thực tế, nhiều khi lực lượng công an chưa có sự tách bạch giữa hoạt động giám định pháp y với khám nghiệm hiện trường.

Tuy nhiên, để giám định pháp y trong ngành y tế đảm đương được nhiệm vụ giám định pháp y, đại biểu đề nghị QH cụ thể quy định lộ trình thực hiện, có thể là 3 năm sau khi Luật được ban hành. Cùng có quan điểm này, ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y nhiều năm qua còn thiếu thống nhất và manh mún. Quy định tổ chức giám định pháp y công lập theo phương án 1 sẽ làm cho ngành giám định pháp y quy về một mối, thống nhất từ Trung ương đến địa phương...

Về phạm vi hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật.

Theo đó, về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, dự thảo luận quy định: Giám định viên tư pháp có ít nhất 5 năm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập; Có Đề án hoạt động theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức GĐTP ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ý kiến cho rằng không thể xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, xã hội hóa giám định tư pháp là chủ trương đúng đắn, cần có bước đi thận trọng, quy định rõ xã hội hóa ở lĩnh vực nào, xã hội hóa đến đâu.

Cùng ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị, nên giới hạn xã hội hóa giám định tư pháp, sau đó trên cơ sở tổng kết kinh nghiệp để có hướng thực hiện tốt hơn

Nhất trí với chủ trương thành lập các tổ chức GĐTP ngoài công lập, song ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) vẫn băn khoăn với quy định cho phép thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập với các đối tượng cổ vật, di vật. Đại biểu cho rằng, đây là những hiện vật có giá trị lâu đời về văn hóa, hoạt động giám định sẽ rất phức tạp vì vậy QH nên nghiên cứu xem xét điều này…

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ