Nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của học sinh
Thí sinh cần biết cách quản lý cảm xúc cá nhân, chế ngự nỗi lo để đạt kết quả tốt nhất.
PGS.TS Trần Thành Nam.
Kỳ thi tốt THPT mang tính bước ngoặt của cuộc đời học sinh. Vì tầm quan trọng của Kỳ thi thi nên PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của học sinh có thể ảnh hưởng đến kết quả dẫn đến sự lo lắng, hồi hộp. Điều này là không thể tránh khỏi trước mỗi kỳ thi.
Bên cạnh đó, do tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, một số học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng quá độ. Nếu không sớm nhận diện và có cách thức quản lý cảm xúc một cách phù hợp, thí sinh có thể không đạt thành tích như mong muốn.
Kết quả này không phải vì thí sinh không có năng lực, mà vì các cảm xúc tiêu cực đã hạn chế năng lực của các em được thể hiện ra trong bài thi.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, về cơ bản con người luôn có nhu cầu muốn biết thông tin chắc chắn về tương lai để cảm thấy an toàn. Từ đó, mới có động lực hành động để vươn tới.
Bộ não chúng ta tự lập trình để trở nên lo lắng và diễn giải sự việc theo hướng trầm trọng hóa khi đối diện với những thứ bất định, thay đổi quá nhanh hoặc không thể dự đoán được.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhận được thông tin không chắc chắn, căng thẳng hơn rất nhiều so với những người được thông báo.
Lo lắng quá mức, khiến một số bạn lựa chọn cách không tham gia kỳ thi nữa mà tìm con đường khác cho tương lai. Stress quá mức cũng có thể khiến một số bạn đến trước giờ thi cảm thấy mệt hoặc có các triệu chứng giống như bị bệnh để “không phải thi”.
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Quản lý cảm xúc cá nhân trước mùa thi
Một số phụ huynh hoặc học sinh khác lại cố gắng đi tìm sự “chắc chắn” ảo bằng các hình thức tâm linh như xem bói, cúng bái, xoa đầu rùa đá đội bia, mang theo bùa may mắn… hay các hình thức kiêng khem phi khoa học như: không ăn trứng, không ăn lạc, không ăn thịt bò, thịt lợn, hàng ngày chỉ ăn xôi đỗ...
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, sự căng thẳng và lo lắng thường tăng lên khi ngày thi đến gần. Lo lắng quá mức ngay trước ngày thi khiến học sinh mất nhiều năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tiếp nhận và ghi nhớ, lưu trữ và tái hiện thông tin. Do đó, sẽ xảy ra hiện tượng, thí sinh dành nhiều thời gian ôn bài nhưng không ghi nhớ được nhiều. Điều đó lại làm bạn lo lắng hơn, hoảng loạn hơn. Từ đó có thể nảy sinh những suy nghĩ vi phạm quy chế.
Còn trong ngày thi, cảm giác lo lắng nếu không kiểm soát sẽ choán hết tâm trí học sinh. Thay vào đó, các em dành thời gian và năng lượng để làm bài với những câu dễ trước.
Lo lắng làm não bộ bị ức chế, trở nên trơ lỳ, không biết quyết định thế nào nên để thời gian trôi qua một cách lãng phí dẫn đến kết quả thấp hơn khả năng thực của học sinh.
“Chúng ta hay nói “học tài thi phận”, phận ở đây đối với tôi không phải là sự may mắn, mà chính là khả năng kiểm soát tâm lý, kiểm soát cảm xúc của các em” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Điều các thí cần làm là hướng về kỳ thi cùng bài thi với sự tự tin nhất. Hãy chú ý đến những hoạt động cho thấy, cả xã hội đều quan tâm và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho kỳ thi.
PGS.TS Trần Thành Nam khuyến nghị, các em hãy dành thời gian suy nghĩ về một chiến lược tối ưu bạn sẽ áp dụng khi vào phòng thi. Hãy hình dung mình sẽ ngồi trong phòng thi như thế nào để làm bài thoải mái nhất nhưng vẫn đúng quy chế.
Nếu lo lắng vì gặp câu hỏi khó, hãy nhớ lại về những lần trước đây khi bạn giải các bài khó. Tiếp tục kiên trì với những nguyên tắc chiến lược làm bài đã vạch ra.
“Nếu thí sinh đến địa điểm thi và có biểu hiện sốt phải thi tại phòng thi dự phòng để cách ly thì đó là tình huống bất ngờ gây lo lắng cao độ. Cách tốt nhất là hãy tìm cho mình một số câu tự nhủ tích cực như: “Không sao, mình vẫn đang kiểm soát được tình hình” hoặc “Đây là việc ngoài ý muốn, kết quả thế nào cũng không sao, miễn là mình đã cố gắng hết sức rồi” - PGS.TS Trần Thành Nam tư vấn.