Để làm tốt môn Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Trước Kỳ thi THPT Quốc gia, các giáo viên ở TPHCM đã có những chia sẻ về ôn tập và làm bài thi môn Khoa học xã hội (KHXH) gồm 3 môn: Giáo dục công dân (GDCD), Lịch sử, Địa lý.

Để làm tốt môn Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia

Môn GDCD

Cấu trúc đề thi môn GDCD có 40 câu với lượng thời gian 50 phút làm bài. Nếu học sinh học kỹ, hiểu kỹ thì thời gian làm bài khoảng 40-45 phút là xong. Học sinh có thể dành một ít thời gian còn lại để dò bài trước khi nộp cho thầy cô thì với lượng thời gian 50 phút là đủ.

Đề có 40 câu trắc nghiệm có lồng ghép thực tế và vừa phải đối với học sinh. Có thêm lượng kiến thức của lớp 11 nhưng các em cũng không quá lo lắng, vấn đề công dân với kinh tế và với các vấn đề chính trị cũng không quá khó để nắm bắt vì hằng ngày càng em vẫn được thông tin rất nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các em nắm chắc nội dung bài học có thể có điểm khá trở lên. Để đạt điểm cao, các em cũng nên có những tập dượt, bằng cách làm một số đề thi để thuần thục. 

Để làm bài thi tốt, các em nên nắm bắt kiến thức cho vững, học từ từ đừng để dồn kiến thức đến thi mới học. Học bài nào nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những ý chính, những nội dung giáo viên nhấn mạnh lưu ý trong bài. Các em cũng có thể đặt những câu hỏi với giáo viên về những vấn đề mình chưa nắm chắc ngay trong giờ học để được giải đáp.

Học từng bài, các em nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học và kết hợp kiến thức của môn Sử, Địa vào bài thi.

Thông qua từng bài học, hãy liên hệ bản thân để từng bước tự hoàn thiện mình trở thành những người tốt, những công dân gương mẫu và vận dụng nó để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Ngoài ra, giáo viên khi ôn tập cho các em phải thường xuyên kiểm tra nhanh sau đó chấm điểm và nhận xét, chỗ nào chưa hiểu giáo viên giảng lại. Các em cũng có thể cùng trao đổi với bạn bè để học hỏi lẫn nhau, cùng nhau nắm chắc kiến thức bài học.

(Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Giáo viên GDCD Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3)

Môn Sử

Nên học theo giai đoạn

Cụ thể lịch sử Việt Nam có các giai đoạn sau: 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975-2000… Các em cần nắm vững những kiến thức cơ bản của từng giai đoạn. Muốn vậy, hãy soạn đề cương về những vấn đề cơ bản của từng giai đoạn đó. Mỗi giai đọan lịch sử thường có những sự kiện nổi bật gắn với những nhân vật lịch sử tiêu biểu, đánh dấu những bước phát triển (hoặc đôi khi có sự thụt lùi) của lịch sử.

Từ đó có thể so sánh các giai đọan lịch sử với nhau, rút ra những bài học lịch sử, thấy được những nguyên nhân thành công hay thất bại gắn liền với công hay tội của người lãnh đạo.

Khi soạn đề cương cho từng giai đoạn, các em nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Các em nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học nhảy cóc lung tung…

Nên sơ đồ hoá kiến thức một cách ngắn gọn cho dễ nhớ

Ví dụ: Lịch sử thế giới khi học về các nước: Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản…, các em lập sơ đồ về nguyên nhân phát triển kinh tế của các nước này để thấy được nét tương đồng của nó. Học bằng cách sơ đồ hoá kiến thức như vậy vừa dễ nhớ, vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài, từ tổng hợp đến khái quát và triển khai các ý…

Trong quá trình học phải biết xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm (thường là đoạn đầu, câu đầu của đoạn), không nên trong sách giáo khoa có gì là học nấy. Nếu không có phương pháp, không biết đâu là kiến thức cơ bản mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”, khi thi sẽ lẫn lộn, viết lan man, không có trọng điểm.

Sau khi học xong một vấn đề, một giai đoạn, các em tự kiểm tra kiến thức mà mình đã học bằng cách trình bày ra giấy, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thì cần học lại và viết lại.

Việc làm này cực kỳ quan trọng, nó vừa giúp các em rèn luyện kỹ năng làm bài, vừa giúp khắc sâu kiến thức. Nếu các em chỉ học thuộc bằng miệng thì sẽ không thể khắc sâu kiến thức được, nhìn vào tài liệu là em thuộc làu một cách trôi chảy nhưng khi đặt bút viết ra giấy là “bí” hoặc thiếu sót nhiều ý.

Do đó, các em phải chịu khó viết ra giấy để biết chắc là mình đã nắm vững kiến thức. Nhiều em bỏ qua khâu này, cứ tưởng là mình đã thuộc nên khi thi cầm bút viết mới bị… “bí”, thiếu ý và… mất điểm.

Nên tập dợt làm thử vài đề thi để thuần thục sau khi nắm chắc nội

dung kiến thức. Điểm lưu ý là phải canh

thời gian làm bài để còn 2-3 phút cuối dò lại bài làm của mình trước khi nộp.

(Cô Huỳnh Thị Tám, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Trưng Vương, quận 1)

Môn Địa lý

Môn Địa lý có 4 mức độ yêu cầu thí sinh về nhận biết, đọc hiểu, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao. Kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa và không quá khó.

Các em nên ôn tập theo từng chủ đề, có tính hệ thống giữa kiến thức lớp 11 và 12. Qua đó, vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức dễ dàng và chính xác. Tránh học vẹt, học tủ, vì thi trắc nghiệm đòi hỏi sự chính xác. Các em nắm thật chắc kiến thức mới có thể làm tốt bài thi.

Các em nên rèn kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ. Lưu ý các từ khóa để làm bài chính xác hơn. Ngoài ra, với môn Địa lý, kỹ năng sử dụng Atlat rất quan trọng. Các em hoàn toàn có thể sử dụng kiến thức để làm bài thi, nếu sử dụng tốt Atlat sẽ giúp các em giảm bớt việc học thuộc, bởi nó có thể giúp các em nhớ được kiến thức dễ dàng, logic.

Để sử dụng hiệu quả, các em nên nhớ mục lục nằm ở đâu, phải nhớ trang ký hiệu, là ngôn ngữ bản đồ, nên rèn luyện, làm thường xuyên. Chẳng hạn nhận xét sự thay đổi tỉ trọng giá trị của ngành công nghiệp khai thác, tăng hay giảm thì lật trang 21 bài biểu đồ công nghiệp, sẽ nhìn thấy rõ sự thay đổi thông qua các màu ký hiệu...

Khi vào phòng thi, các em cần trang bị ít nhất 2 bút chì chuốt sẵn, tẩy, thước... để tránh các sự cố không đáng có. Khi làm bài thi không nên bỏ trống câu, câu nào dễ làm trước, khó làm sau để tránh mất thời gian, rối tinh thần.

(Thầy Phạm Văn Hào, GV Địa Lý, Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.