Để không “tiến thoái lưỡng nan”

GD&TĐ - Thời điểm này, hầu hết cơ sở giáo dục đại học có kế hoạch đào tạo tập trung cho sinh viên. Đáng chú ý, sinh viên năm thứ nhất sẽ đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học online vì Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Việc sinh viên năm thứ nhất về trường học tập trung đã xuất hiện “sự cố” ở một số cơ sở đào tạo. Cụ thể, khi các trường làm công tác “hậu kiểm” hồ sơ của sinh viên thì thấy, có em ghi sai thông tin về đối tượng, khu vực dẫn đến không đủ điểm trúng tuyển như thông tin ban đầu. Do đó, nhà trường đã hướng dẫn sinh viên chuyển sang ngành học khác.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện “sự cố” khi các trường tiến hành kiểm tra hậu kiểm. Ở mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh cũng mắc phải những lỗi tương tự. Ngoài việc ghi nhầm đối tượng ưu tiên, khu vực; nhiều thí sinh còn bỏ qua tiêu chí phụ nên có khi đủ điểm trúng tuyển nhưng vẫn trượt nguyện vọng vì không đạt tiêu chí về điểm học bạ hoặc tiêu chí phụ khác.

Khách quan mà nói, đây là lỗi của thí sinh. Có thể khi đăng ký xét tuyển hoặc lúc điều chỉnh nguyện vọng, các em không “để tâm” vào những tiểu tiết này. Đây là những chi tiết tưởng như rất nhỏ nhưng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và học tập của thí sinh. Tất nhiên, một phần cũng do yếu tố khách quan mang lại khi đại dịch Covid-19 đã làm “đảo lộn” trật tự công tác tuyển sinh của nhiều trường.

Lẽ thường như mọi năm, khi đến nhập học, tân sinh viên được kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, thế nhưng năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sau một học kỳ việc này mới được nhiều trường tiến hành. Thứ nữa, trước đó đa số các trường đại học yêu cầu sinh viên trúng tuyển nộp hồ sơ bằng hình trực tuyến. Đây là việc làm chưa có tiền lệ.

Với “sự cố” trên, việc trường đại học bố trí sinh viên sang học ngành học khác cũng là hợp lý. Song đây cũng là bài học thực tiễn để thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục phổ thông rút kinh nghiệm trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Ngoài việc nhấn mạnh đến chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, các trường nên thông tin rõ ràng, mạch lạc những tiêu chí phụ hoặc những yêu cầu riêng trong xét tuyển. Các trường THPT cần hướng dẫn thí sinh tỉ mỉ hơn trong quá trình đăng ký xét tuyển, đặc biệt là việc xác định đối tượng ưu tiên và khu vực tuyển sinh.

Song trên hết vẫn là từ phía thí sinh. Các em nên đặt sự quan tâm đến các yếu tố tiểu tiết như trên và đặc biệt không nên xem thường “hệ lụy” sẽ đến sau sự thiếu thận trọng đó. Bởi có những chi tiết nhỏ, tưởng chừng như là phụ, nhưng nó có thể là “phao cứu cánh” cho các em, hoặc nó cũng có thể biến các em từ đỗ thành trượt. Vì thế, để không biến mình rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hơn ai hết thí sinh phải đọc kỹ, nghe nhiều và viết đúng để tránh sơ sẩy.

Ngoài ra, thí sinh cũng nên chủ động bằng cách tạo ra những lựa chọn đa dạng và mang tính linh hoạt. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không lựa chọn phương án này, thì vẫn có phương án khác thay thế. Như vậy, các em sẽ khó rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ