Để không phải “lên tivi nhận hỗ trợ”

GD&TĐ - Những điều kiện hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa được đề xuất “nới lỏng” để giải ngân nhanh gói 62.000 tỷ. Tiền thì có nhưng người lao động lại không thể được hưởng. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cách đây vài hôm tôi đi lại bằng xe Grab. Anh Grab bike đen nhẻm người Thái Bình, lên Hà Nội đã hơn 20 năm nay. Trước anh đi bán than tổ ong, nhưng khi người Hà Nội chuyển sang dùng bếp gas, bếp từ thì anh cũng chuyển nghề, chạy xe ôm rồi chạy cho Grab.

Anh kể anh đã phải nghỉ hơn tháng đợt giãn cách xã hội, về quê cũng chả có việc gì làm, anh cũng không được ai bảo làm thủ tục để nhận trợ cấp từ gói 62.000 tỷ. 

“Tôi đi làm chẳng đăng ký tạm trú tạm vắng. Chỗ tôi ở trọ trên Hà Nội cũng vậy” - anh nói. Anh trọ ở làng Phùng Khoang, giờ đã thuộc quận Thanh Xuân của Hà Nội, nhưng anh vẫn gọi đó là ven đô. Cảnh sát khu vực chả bao giờ kiểm tra đến anh. Không có đăng ký tạm trú tạm vắng thì làm sao đủ điều kiện làm thủ tục trợ cấp. 

Những người lao động tự do như anh lái xe ôm này là đối tượng khó được hưởng trợ cấp nhất. Quy định thì ngặt nghèo. Nhiều khi trưởng thôn trưởng xóm, tổ trưởng dân phố biết rõ mười mươi trong khu vực mình có những ai làm tự do bị ảnh hưởng, thậm chí kiệt quệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến công việc của họ, nhưng cũng không thể làm thủ tục để họ nhận trợ cấp.

Đơn cử như xác nhận tạm trú tạm vắng, thói quen của người lao động thường bỏ kệ các thủ tục, chính quyền địa phương cũng có lúc lơ là, nên khi cần, chiếu theo quy định là chịu. 

Chính phủ đã dành riêng 62.000 tỷ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng đến giữa tháng 8 mới giải ngân được khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong 62.000 tỷ này có 16.000 tỷ dành hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp được nhận hỗ trợ không đáng kể.

Còn cá nhân được nhận hỗ trợ chủ yếu là đối tượng người có công, người nghèo, người được bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, những người này không phải đối tượng gặp khó nhất do dịch. Dù có Covid-19 hay không thì họ vẫn được nhận trợ cấp hàng tháng nên ít chịu tác động hơn. 

Nhóm gặp khó khăn nhất do dịch chính là lao động bị mất việc, gồm cả lao động tự do, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình... Vậy nhưng tiêu chí xét duyệt ngặt nghèo, nhiều thủ tục, quá trình xét duyệt chậm, khiến tiền thì có mà người cần không được giúp trong lúc khó nhất. Không ít người vẫn bảo, lên tivi mà nhận hỗ trợ

Tránh thất thoát tiền Nhà nước, đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện minh bạch là những điều kiện đúng đắn khi triển khai hỗ trợ, nhưng nếu quá đặt trọng tâm vào đây và làm quá chặt thì không thể hỗ trợ nhanh, kịp thời cho người dân. Các địa phương vừa qua đã làm rất thận trọng vì sợ sai, sợ bị xử lý. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất nới điều kiện, thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19, đối tượng cá nhân cũng được mở rộng sang giáo viên dân lập, tư thục, giáo viên cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi. Việc nới lỏng như vậy là một tín hiệu lạc quan cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, cho dù các hoạt động kinh tế đã phần nào trở lại bình thường. 

Thống kê đến quý hai cho thấy, có khoảng 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, gồm hơn 1 triệu người mất việc, giãn việc, giảm lương. Hậu quả của dịch còn kéo dài trong những tháng cuối năm.

Cần gấp rút điều chỉnh chính sách để các địa phương vững tâm thực hiện trợ cấp, doanh nghiệp, người dân được nhận hỗ trợ vượt qua dịch, qua bất kỳ thảm họa khẩn cấp nào, và chỉ làm được thế dân mới thêm tin vào Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ