Gia tăng nhu cầu khách trong nước
Du lịch Việt đang đứng trước cơ hội lớn. Số lượng người Việt đi du lịch hàng năm đều tăng, đột biến tăng mạnh vào dịp nghỉ hè (chúng ta hay gọi là mùa cao điểm). Nhưng đã có sự thay đổi khá nhiều về nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch.
Du khách không còn chỉ yêu cầu ăn đủ, chơi đủ, mà họ cần ăn ngon, lưu trú tiện nghi (hoặc đặc sắc khác biệt ngày thường) với chất lượng dịch vụ cao cấp nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch, nhưng cũng là một thách thức lớn để các đơn vị lữ hành buộc phải có những sản phẩm đảm bảo hấp dẫn cả về điểm đến, chất lượng phục vụ và định hướng tiêu dùng thông minh.
Tuy nhiên, thông tin từ nhiều lữ hành trong nước cũng cho thấy khách du lịch Việt có xu hướng chuyển từ du lịch nội địa sang nước ngoài. Lý do cơ bản để khách du lịch trong nước có sự chuyển hướng này bởi chi phí đi tour nước ngoài còn thấp hơn nhiều tour trong nước với cùng khoảng cách. Điều này sẽ khiến cho Việt Nam gặp bất lợi về khai thác du lịch nội địa, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế...
Để khắc phục, du lịch Việt cần có động thái thay đổi sản phẩm du lịch và cách thức tổ chức của mình để thu hút du khách. Một sản phẩm mới hấp dẫn, giá thành cạnh tranh và để du khách tự nguyện móc túi chi tiêu chứ không phải để họ có cảm giác chúng ta chặt chém. Sự liên kết và dám cam kết của các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch sẽ cải thiện được điều này. Bởi khi có sự liên kết, quy hoạch đồng bộ thì giá thành các chi phí sẽ ổn định, chất lượng phục vụ ổn định, tạo lòng tin và thu hút du khách nội địa.
Nếu các cơ sở lưu trú, vận chuyển, ăn uống... cứ mệnh ai nấy tăng giá vào mùa cao điểm và ra sức chặt chém du khách, thì chẳng mấy chốc sẽ không ai còn muốn đi du lịch trong nước nữa. Điều đó sẽ rất tồi tệ. Các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa để cùng cam kết hành động theo đúng định hướng phát triển.
Tiềm năng song hành cùng thách thức
Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia du lịch cũng như quản lý các công ty lữ hành du lịch thì khó khăn thách thức để phát triển du lịch Việt trong thời gian tới nằm ở 3 vấn đề chính. Trước hết du lịch Việt phải làm thế nào để du khách biết đến Việt Nam với những nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn đó. Làm thế nào để khi đến rồi, du khách sẽ quay lại hoặc quảng bá cho du lịch Việt Nam bằng chính trải nghiệm của họ. Và làm thế nào để bảo tồn gìn giữ được những nguồn tài nguyên đó không bị mai một, xuống cấp trong tương lai.
Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội cho rằng các vấn đề trên: Phụ thuộc vào chính sách cũng như trình độ quảng bá du lịch ở cấp cao nhất của Nhà nước, để đưa được hình ảnh điểm đến hấp dẫn đến từng du khách. Hiện nay việc dàn dựng các video hoặc ấn phẩm quảng cáo của chúng ta còn yếu, không làm tôn lên được vẻ đẹp thực sự vốn có của chúng ta. Một phần do chi phí, phần còn lại vì chúng ta vẫn thiếu sự sáng tạo bứt phá.
Mặt khác, ý thức của người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp lữ hành phải truyền tải cho du khách thấy được tình cảm, chất lượng dịch vụ. Và quan trọng nhất cho du khách thấy một sự tin cậy lớn vào những con người làm du lịch ở Việt Nam. Bởi xét cho cùng, dù cảnh đẹp đến đâu mà dịch vụ kém, chặt chém du khách, đeo bám, chộp giật... thì không du khách nào dám quay lại.
Đến nay, sự liên kết và thống nhất quy tắc ứng xử này của chúng ta còn yếu, nên vẫn mạnh ai nấy làm hoặc chỉ triển khai được trong một giới hạn khu vực nhất định, chưa có sức lan tỏa. Một vài doanh nghiệp giữ chữ tín, một vài người dân thiện cảm chưa đủ để níu chân du khách quay lại với chúng ta.
Một vấn đề cũng rất đáng đề cập đó là ý thức giữ cho mai sau của chúng ta còn yếu, nên các khu du lịch đều được khai thác mạnh - chưa cân xứng với bảo tồn. Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ văn hóa truyền thống... là điều rất khó khi mà người dân và người làm du lịch còn ham lợi trước mắt, triệt để tàn phá...