Để hướng nghiệp phát huy hiệu quả

GD&TĐ - Dù được quan tâm, nhưng kết quả chung của hướng nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Việc buông lỏng và làm chưa tốt đã và đang khiến nhiều sinh viên, học sinh chật vật cho việc tìm kiếm công việc cho dù được đào tạo. Còn các nhà tuyển dụng cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Để hướng nghiệp phát huy hiệu quả

Còn nặng hình thức

Hướng nghiệp vô cùng quan trọng và cần được làm sớm không thể tiến hành khi nước đã đến chân… đó là những điều mà tưởng như mọi phụ huynh đều biết. Nhưng trên tế, nhiều học sinh ở vùng ngoại thành, vùng sâu vùng xa vẫn lơ mơ và có xu hướng chọn nghề theo cảm tính, đăng ký theo phong trào. Thấy bạn đăng ký ngành nào thì mình đăng ký ngành đó nếu đỗ thì cùng đi học cho tiện.

Có học sinh hồn nhiên cho biết, đến gần hết hạn nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào trường đại học mà em chẳng biết nên chọn trường nào. Thấy nhiều bạn trong lớp đăng ký vào trường a hoặc b thì các em cũng đăng ký theo phong trào.

Các thông tin về ngành học, trường lớp ra sao thì em chỉ tìm hiểu qua qua vì không có nhiều thời gian. Có học sinh thi đỗ vào trường và học được hết năm thứ 1, sang năm thứ 2 cảm thấy chán nản vì không phù hợp.

Có em học đến năm cuối chuẩn bị ra trường vẫn mông lung vấn đề xin việc vào đâu, sẽ làm gì? Nhiều em con nhà nông nhưng lại học về ngành quản lý nhân sự các cơ quan Nhà nước… Như vậy ra trường không dễ xin việc mà việc ứng dụng cho cuộc sống nếu có trở về quê cũng không phù hợp.

Từng có học sinh lý giải cho việc lựa chọn Trường Đại học Sư phạm – khoa Sử khá đơn giản: Sức học của em bình thường, thi vào các khoa Văn, Toán… chắc chắn không đủ điểm.

Thấy các bạn nói rằng các khoa Sử, Địa không đủ học sinh, điểm tuyển đầu vào ít và dễ đỗ nên em thi. Khi ra trường ra sao thì chưa thể tính. Hiện tại em đã học thêm về ngành báo chí để có sự lựa chọn tốt hơn trong công việc khi ra trường.

Không chỉ chọn nghề từ thiếu thông tin, hiểu biết mà không ít học sinh lại chọn nghề bởi sự tác động từ gia đình, người thân khi hứa hẹn ra trường có thể xin việc hộ.

Thực tế, cũng không ít học sinh còn chọn nghề theo bề nổi kiểu như: Học Quản trị kinh doanh thì thế nào cũng làm sếp, làm quản lý; học tài chính thế nào cũng làm kế toán, kinh doanh… nhàn nhã không vất vả.

Thậm chí, có học sinh còn cho biết chọn nghề a, b,c bởi xem trên ti vi thấy quảng cáo, phim ảnh miêu tả hấp dẫn. Thậm chí từ ảnh hưởng của phim Hàn Quốc nhiều sinh viên đã chọn nghề thiết kế thời trang, quản trị khách sạn… bởi chỉ nhìn thấy sự long lanh, sang trọng.Và kết quả, khi ra trường chật vật tìm việc làm ở thành phố, trở lại quê thì gần như không sử dụng vào công việc.

Cùng với công tác hướng nghiệp trong trường học thì gia đình đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định, ảnh hưởng đối với mỗi học sinh khi chọn nghề. Ví như, nếu học sinh khi chuẩn bị kết thúc lớp 12 mới được gia đình bàn đến việc chọn ngành trường nào là quá muộn. Những sai lầm trong việc định hướng nghề nghiệp không phù hợp cho học sinh sẽ mang đến những ảnh hưởng trong tương lai của chính học sinh cũng như cho xã hội.

Cần những hướng đi thiết thực

Cách hướng nghiệp phát huy hiệu quả ra sao để giúp học sinh chọn nghề đúng vô cùng quan trọng. Đặc biệt với các trường THPT ở vùng khó, điều kiện tiếp xúc với thông tin nghề nghiệp của học sinh còn nhiều hạn chế. Điều đó đòi hỏi nhà trường luôn đề cao và có sự đổi mới trong công tác hướng nghiệp.

Tuy công tác hướng nghiệp vô cùng quan trọng song đây là vấn đề chưa được các nhà trường, gia đình quan tâm chú trọng, hoặc có làm cũng thiếu sự bài bản và mang tính đại trà. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp còn thiếu liên kết chặt chẽ giữa nhu cầu của xã hội và đào tạo; học sinh không nhận được những thông tin định hướng sát thực tế một cách nhanh chóng, kịp thời.

Mặt khác, ở nhiều trường, những giáo viên làm công tác hướng nghiệp có khi còn hụt hẫng và chưa nắm hết sự đa dạng ngành nghề, xu hướng để định hướng cho học sinh. Công tác hướng nghiệp vẫn chỉ được lồng ghép khiên cưỡng trong giờ chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt…

Hướng nghiệp trong trường học hiện nay đặc biệt với các trường vùng sâu, nông thôn… cho thấy cần được bắt đầu sớm hơn. Nhà trường cần giúp học sinh chọn lựa và phát triển nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân, hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội… Càng làm tốt công tác hướng nghiệp càng giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng đồng thời có khả năng tự quyết định con đường nghề nghiệp tương lai bản thân một cách đúng đắn.

Để công tác hướng nghiệp tốt nhất, học sinh cần có được hướng nghiệp sớm và bằng những hình thức và phương tiện linh hoạt, hiệu quả. Nhà trường, gia đình có thể tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu với đại diện các nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực lao động khác nhau.

Hoặc có thể tổ chức cho các em những buổi học dã ngoại tham quan các xí nghiệp, cơ quan, nông trường… Từ thực tế học sinh dễ dàng hiểu được yêu cầu của mỗi nghề nghiệp đồng thời kết hợp với thấu hiểu năng lực của bản thân để chủ động lựa chọn, đưa ra quyết định nghề nghiệp đúng đắn.

Nhiều nghiên cứu về giáo dục đã chỉ ra, việc làm đầu tiên của các gia đình nhà trường là cần sớm phát hiện, nâng đỡ những ý thích, những say mê, những hoài bão của mỗi đứa trẻ.

Có thể có ý thích, say mê không phù hợp với mong muốn của cha mẹ hoặc có những đam mê vượt quá ngưỡng cho phép thì cha mẹ cũng phải biết cách ứng xử, cần khéo léo hướng trẻ sang một việc làm khác rồi từ từ phân tích và kiên trì lái trẻ sang những đam mê lành mạnh khác.

Bởi đam mê khiến trẻ tránh được sự vô cảm. Đam mê khiến trẻ vượt khó, gắn mình với cuộc sống tự nhiên. Khi trẻ có những đam mê lệch lạc, quá mức cho phép gây tai hại thì cha mẹ cần có sự can thiệp kịp thời.

Hướng nghiệp là một phần của giáo dục toàn diện, giúp học sinh hiểu biết về tính chất của ngành nghề trên cơ sở đó có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Xã hội càng phát triển, công tác hướng nghiệp càng cần được quan tâm và làm tốt nhất từ mọi phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ