Để học sinh yêu thích Ngữ văn

GD&TĐ - Thế hệ chúng tôi, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước rất nhiều người thích học môn Văn. 

Để học sinh yêu thích Ngữ văn

Hầu như ai cũng có cuốn sổ tay chép những bài thơ hay, câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ mà mình yêu thích. Có người còn trổ tài sáng tác nhiều bài thơ, truyện ngắn phỏng theo những câu chuyện đã học trong Ngữ văn. Dù năng khiếu nhiều bạn ở mức giới hạn nhưng qua đó cho thấy sức lôi cuốn, quyến rũ của môn Ngữ văn là như thế nào.

Bây giờ, khá phổ biến tình trạng học trò lười học Ngữ văn. Có em đã học đến lớp 10, 11 mà không viết nổi một câu văn đúng nghĩa, chữ nguệch ngoạc, sai chính tả trầm trọng.

Nhiều em còn gọi nữ sĩ Xuân Quỳnh là nhà thơ nam, truyện Vợ chồng A Phủ lại có lão Bá Kiến (trong truyện Chí Phèo) trong đó… Hay khi hỏi tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là bài nào thì nhiều học sinh lại lắc đầu.

Bằng chứng là năm nào khi công bố điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều tờ báo cho đăng những bài văn “cười bể bụng” hoặc có em còn để giấy trắng vì không “nặn” ra một chữ nào.

Là phụ huynh có con em rơi vào hoàn cảnh đó nên tôi hiểu được nỗi lòng của giáo viên. Tôi tự đặt câu hỏi: “Tại sao bây giờ học sinh lại không thích học môn Văn?”.

Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, trong đó có nguyên nhân của chính giáo viên trực tiếp giảng dạy môn này. Dạy Ngữ văn thực sự là khó, đòi hỏi phải có năng khiếu ngoài kỹ năng sư phạm.

Tôi nói câu này vì ngày còn cắp sách đến trường, có giáo viên Văn giảng bài nghe thật mê tít, đắm đuối như chính bản thân lạc vào khu vườn văn học.

Chính vì lẽ này mà tôi và các bạn tôi đều thích học môn Văn, và kiến thức về văn học của chúng tôi tăng lên gấp bội. Ngoài những tác phẩm chính trong sách giáo khoa, giáo viên còn dành chút ít thời gian giới thiệu những tác phẩm hay của nhà văn, nhà thơ khắp năm châu cho chúng tôi tìm mua đọc.

Cái khó là làm sao cho học sinh hiểu được sự cần thiết phải học tốt Ngữ văn. Muốn được vậy, chính người giáo viên phải thể hiện bản thân mình thực sự yêu thích môn Văn, giảng bài phải “có hồn”, có sức lôi cuốn chứ không phải “dạy chay”, dạy cho hoàn thành trách nhiệm là xong.

Nhiều giáo viên chủ yếu dạy cách làm bài để khỏi bị điểm liệt nên thường dạy kiểu khô khốc, trong mỗi tác phẩm không bao giờ có sáng tạo, cứ rập khuôn nên học sinh đâm ra chán phèo, ngáp dài ngáp vắn mỗi khi đến tiết Văn.

Chẳng hạn như giáo viên dạy Văn của con tôi, đến giờ lên lớp là cô cứ đọc rỉ rả cho học trò ngồi chép những gì cô đã soạn sẵn trong giáo án. Sau đó, cô buộc các em phải học thuộc lòng để lên trả bài và để kiểm tra, thi học kỳ có điểm cao.

Dạy như thế thì học sinh làm sao thưởng thức được cái vẻ đẹp lãng mạn vốn mang tính phê phán hiện thực trong văn học, nói gì đến việc rèn học trò viết được một câu văn cho ra hồn.

Nói như thế không có nghĩa là quơ đũa cả nắm, vì cũng có rất nhiều giáo viên dạy Văn rất giỏi, biết lôi cuốn học sinh vào những câu chuyện trong một tác phẩm, biết giới thiệu cho học sinh những tác phẩm kinh điển trong và ngoài nước để cho học sinh rèn luyện kỹ năng viết văn của mình. Nhưng chỉ là số ít vì có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Thiết nghĩ, để học sinh hiểu được giá trị của việc học Văn thì ngay bây giờ, nhà trường và giáo viên cần đổi mới cách dạy, đừng để việc học sinh học Văn chỉ là một “nghĩa vụ bắt buộc”.

Cụ thể, nên cho học sinh thoải mái tư duy, chứ không rập khuôn như giáo án. Văn học đòi hỏi “bay bổng” nên đừng dạy quá khoa học, công thức vì như vậy rất thô, khô, chán, khó có sự đột phá để cho ra đời một bài văn nghị luận hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ