Để học sinh không chọn nhầm tương lai

GD&TĐ - Bên cạnh những hoạt động tư vấn tuyển sinh, những năm gần đây, công tác tư vấn hướng nghiệp đã bắt đầu được các trường THPT chú trọng. 

Để học sinh không chọn nhầm tương lai

Hoạt động này sẽ chỉ có hiệu quả khi có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong nắm bắt được nguyện vọng, khả năng của học sinh và nhu cầu của xã hội. Và nhất thiết, công tác hướng nghiệp phải được khởi động ngay từ sớm chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai.

Trải nghiệm để hướng nghiệp

Để hoàn thành bản đồ du lịch Đà Nẵng, giới thiệu cho du khách những điểm tham quan nổi tiếng, quán ăn… Nguyễn Thị Thùy Vân và các bạn trong nhóm tiếng Pháp của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho biết: “Lúc đầu bọn em không đủ tự tin để tiếp cận và phỏng vấn du khách, nhưng sau thì quen dần. Ngoài rèn luyện ngoại ngữ, chúng em còn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng khác như giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm…”.

Khách du lịch có thể tìm thấy những thông tin, hướng dẫn rất đáng yêu trong “Cẩm nang du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn” của một nhóm HS khác thực hiện như cần mang theo dù để che nắng, che mưa khi đi tham quan; chọn giày dép phù hợp để tránh bị trượt té những hôm trời mưa nhẹ… nước uống thì nên mang theo chai nhỏ cho gọn vì sẽ phải leo núi nhiều…

Độc đáo và sáng tạo nhất có lẽ là sản phẩm kẹp sách của nhóm bạn Vân Anh, Tuyết Mai, Bích Nguyên, Ngọc Bích. Bộ kẹp sách của các bạn rất nhỏ gọn, có trích dẫn thông tin một số điểm đến của Đà Nẵng cùng những hình vẽ minh họa đẹp mắt do chính các bạn vẽ bằng tay. Sản phẩm này đã “lọt” vào tầm ngắm của một cán bộ Sở Du lịch Đà Nẵng.

Dự án Đà Nẵng - Điểm hẹn Pháp ngữ sau khi thí điểm tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã được triển khai chính thức tại các lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám và 2 lớp ở Trường THPT Phan Châu Trinh. Tùy theo từng đề tài, HS sẽ tiến hành tìm kiếm thông tin, đi thăm các địa điểm, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn… để làm các sản phẩm tiếp thị du lịch cho du khách tiếng Pháp.

Theo đánh giá của nhóm GV dạy tiếng Pháp, với “Đà Nẵng, điểm hẹn Pháp ngữ”, ngoài cơ hội được rèn luyện các kỹ năng sống, HS còn có dịp tìm hiểu tiềm năng du lịch và ngành du lịch của thành phố, góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho các em.

Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ - Quảng Trị) ngoài việc đẩy mạnh truyền thông về hướng nghiệp cho cả phụ huynh và HS, còn tổ chức cho HS khối 12 tham quan thực tế tại các trang trại trong vùng để xem hiệu quả cũng như mô hình sản xuất. “Chúng tôi muốn tự các em HS rút ra được rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp và các em có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình bằng tình yêu lao động, sự cần cù, sáng tạo của mình” - thầy Thái Quốc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Năm nay, nhà trường còn mời một số tấm gương về khởi nghiệp là HS cũ của trường đến giao lưu, trao đổi với HS. “Từ câu chuyện có cả thành công, thất bại của những người thật việc thật - có thể là bà con, hàng xóm của chính các em, chúng tôi muốn gieo vào các em niềm tin và khát vọng đánh thức những tiềm năng của vùng chiến khu Cùa năm xưa để có thể chọn những ngành học có thể gắn bó với quê hương như nông lâm, thú y…”.

Trắc nghiệm chọn ngành nghề

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ với thí sinh về cách thức để xác định hướng đi cho tương lai của mình: “Thường thì các em hay phân vân mình nên theo học trường nào, học nghề gì. Trật tự này nên thay đổi theo thứ tự: Nghề - ngành - trường.

Trước hết, các em phải xác định mình hợp với nghề gì, nếu đã xác định được sở thích và năng lực của mình rồi thì dễ, nhưng nếu các em còn phân vân thì có thể dùng các phần mềm trắc nghiệm để xác định. Trên cơ sở xác định được nghề gì là phù hợp với bản thân, các em mới chọn ngành học nào để có thể làm được nghề đó rồi mới đến lựa chọn theo học trường nào, bậc học nào”.

Theo các chuyên gia tâm lý, để xác định đúng sở thích của mình, chọn ngành nghề, trường học phù hợp, HS có thể thông qua 3 kênh: Thông qua các hoạt động, khuynh hướng hằng ngày của mình để luận giá về sở thích của bản thân. Chẳng hạn, bạn thích đi làm tình nguyện, mùa hè xanh thì thích hợp với ngành xã hội.

Các bạn thích máy tính, khám phá công nghệ thông tin thì hãy chọn ngành gần đó. Cũng có thể tham gia các bài test để có kết quả định hướng một phần nào đó của chính mình. Nhưng chúng ta phải xác định rõ là mình muốn cái gì và mình thích cái gì? Tham khảo ý kiến của người thân nhận xét về mình cũng là một cách để xác định. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tự bản thân mỗi HS phải tự trả lời câu hỏi đó... Chẳng ai trả lời hay làm thay điều đó, các bạn phải tự vận động để xác định cái kênh của chính mình.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của các trường THPT trong công tác tư vấn hướng nghiệp, không phải ở khâu tổ chức mà là tài liệu chưa được cập nhật thường xuyên. Thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - cho biết, những thông tin liên quan đến thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề… Đoàn trường đều tự tìm kiếm để cung cấp cho HS tham khảo chứ chưa có nguồn tài liệu chính thống.

Ngay như ở Đà Nẵng, số lượng HS phổ thông theo học ngành Sư phạm là rất ít trong khi nhu cầu của địa phương là rất lớn. Thế nhưng, thông tin này được tuyên truyền đến HS và phụ huynh hầu như rất ít. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, để cho nội dung hướng nghiệp gắn liền với nhu cầu nhân lực của địa phương, các Sở GD&ĐT cần cung cấp cho các trường tài liệu có liên quan, ít nhất là đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cho rằng, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông phải tiến hành từ sớm, ngay từ khi HS học lớp 10 và là cả một quá trình chứ không đợi đến khi HS làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai. “Làm sao để đến khi HS học xong lớp 11, các em đã biết được một số nghề cơ bản trong xã hội, hình thành được hứng thú nghề nghiệp và có sự hình dung nhất định về con đường đi phía trước của mình” - cô Kim Vân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.