Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng nghỉ dài con sẽ quên kiến thức, khó lấy lại đà học tập khi quay lại trường. Do vậy, dù nghỉ Tết nhưng nhiều cha mẹ vẫn duy trì thói quen học tập cho con.
Không nên quá lo lắng vì nghỉ Tết dài
Nghỉ Tết Nguyên đán 2024, học sinh Phú Yên được nghỉ học từ ngày 5/2 đến hết ngày 18/2 (tức 26 tháng Chạp đến hết mùng 9 tháng Giêng). Với kỳ nghỉ Tết hàng năm, cô Lê Thị Thu Trang, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) luôn khuyên phụ huynh không gây áp lực bài vở, học tập trong kỳ nghỉ Tết mà tạo điều kiện cho học sinh có kỳ nghỉ đúng nghĩa để các con có thêm những kỷ niệm đẹp, ấm áp bên gia đình, biết trân trọng hơn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Ngoài chuyện cho con được vui chơi thoải mái, phụ huynh nên phân công con tham gia những công việc chuẩn bị Tết của gia đình. Các con có thể trải nghiệm các công việc như lau dọn, trang trí nhà, gói bánh chưng, sắp mâm ngũ quả ngày Tết. Đối với những gia đình có công việc kinh doanh, những ngày Tết bận rộn hãy yêu cầu con ra cửa hàng phụ giúp để con hiểu hơn đặc thù công việc cha mẹ đang làm, biết trân trọng giá trị sức lao động, từ đó biết sẻ chia những vất vả của cha mẹ”, cô Thu Trang chia sẻ.
Do phải công tác xa nhà, ít có thời gian về quê, bởi vậy kỳ nghỉ Tết thường là dịp anh Nguyễn Văn Quang (quận Long Biên, Hà Nội) đưa con cái về quê đón Tết cùng ông bà và kết hợp nghỉ ngơi. Anh Quang chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, ngay sau khi con nghỉ Tết vợ chồng tôi cho cháu về quê ở Nghệ An. Tôi muốn con được tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn ở quê.
Chúng tôi không ép con phải học hay làm bài tập trong những ngày này. Tuy nhiên, cả gia đình sẽ trở lại thành phố sớm 2 ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết để các con nghỉ ngơi, lấy lại nhịp độ sinh hoạt ngày thường, xem lại thời khóa biểu và khởi động việc học tập của mình sau kỳ nghỉ dài”.
Với chị Dương Thị Thanh Hoa (Can Lộc, Hà Tĩnh), thời điểm nghỉ Tết lại là lúc công việc kinh doanh của gia đình chị rất bận rộn. Do đó, để con hiểu được những công việc của bố mẹ, chị Hoa đã phân công công việc cho hai đứa con của mình phụ bếp, bưng bê và đi giao hàng cho khách. “Năm nào cũng vậy, các con rất hào hứng khi góp sức vào hỗ trợ bố mẹ. Tôi không nặng nề con phải học trong kỳ nghỉ, mà tôi muốn con được làm những điều con cảm thấy có ích và vui vẻ để sau khi con quay trở lại trường không cảm thấy tiếc” chị Hoa chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Lời khuyên từ bác sĩ
Theo bác sĩ Phạm Quang Khải - giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, hiện làm việc tại Bệnh viện E, lý giải thì nỗi lo lắng con hổng kiến thức sau kỳ nghỉ dài là tâm lý chung, dễ hiểu của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho con có một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. Ví dụ năm nay, học sinh ở Hà Nội được nghỉ 8 ngày, phụ huynh nên dành một ngày cùng con sắp xếp lại góc học tập, lên kế hoạch sinh hoạt trong những ngày Tết, cho phép con nghỉ ngơi vui chơi thoải mái từ ngày 29 đến hết mùng 2 Tết.
Tối mùng 3, phụ huynh nên cùng con khai bút đầu năm, làm các bài tập khởi động. Lúc này, cha mẹ nên chia nhỏ ra thành các cụm bài, mỗi ngày yêu cầu con giải quyết hết một cụm nhỏ. Như vậy sau kỳ nghỉ dài, con nhanh chóng lấy lại thói quen học hành và tự giác với nhiệm vụ thường nhật của mình. Cùng với cách lồng ghép khéo léo giữa việc chơi và học, cha mẹ nên hướng dẫn con cách quản lý thời gian hợp lý, tránh để dư âm Tết kéo dài trong tư tưởng của con.
Bên cạnh đó, sau khi học sinh bắt đầu khởi động lịch học lại, phụ huynh nên hướng dẫn con quay lại giờ giấc sinh hoạt như trước kỳ nghỉ Tết để duy trì nền nếp để khi con quay trở lại lớp học, con sẽ không cảm thấy quá ngại và mệt mỏi.
Trong những ngày Tết ở miền Bắc thường rét, hanh khô khiến trẻ mầm non, học sinh rất dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp. BS Phạm Quang Khải khuyên phụ huynh nên mặc đủ ấm cho con nhưng vẫn phải đảm bảo thoải mái khi vận động. Chú ý cho con uống đủ nước (nước ấm), bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ để da không bị khô gây khó chịu; bổ sung thêm cho con các vitamin khoáng chất, ăn nhiều rau xanh, chất xơ để con đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe.
Còn với miền Nam thời tiết ấm áp, khi con hoạt động nhiều dễ đổ mồ hôi gây mất nước và rối loạn điện giải, cha mẹ nên chú ý bù nước, tránh để con hoạt động quá nhiều dưới trời nắng có thể bị cảm nắng.
BS Phạm Quang Khải nói thêm, ngày Tết có rất nhiều bánh kẹo, mứt, trái cây sấy, nước ngọt… những thực phẩm chứa nhiều đường này trẻ thường thích ăn và rất khó kiểm soát. Khi đã ăn nhiều trước bữa ăn, trẻ sẽ chán ăn thậm chí bỏ bữa, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng cho cơ thể.
Nhiều loại hạt để lâu có thể bị hỏng mốc, cha mẹ cần phải chú ý loại bỏ để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Theo đó, cần cân bằng nhóm dưỡng chất cần thiết, cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu hoặc ăn thức ăn chế biến từ bữa trước... đề phòng tiêu chảy.
“Thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Tết, học sinh quay trở lại trường, để các em không còn tâm lý tiếc nuối, uể oải, bắt ngay vào nhịp học thì giáo viên nên thiết kế nhiều hình thức học tập phong phú, đa dạng, tạo sự hứng khởi cho học sinh như: Học tập thông qua trò chơi, hoạt động trải nghiệm”, cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ.