Để giáo viên sống được với nghề

GD&TĐ - Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao một câu chuyện về lá đơn xin ra khỏi ngành của cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (sinh năm 1994, Cao Bằng). Cô giáo Kim Anh đã được nhận vào biên chế ngành giáo dục của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, nhưng vì mức đãi ngộ quá thấp nên cô quyết tâm bỏ biên chế, bỏ nghề giáo.

Ảnh minh họa, theo VOV
Ảnh minh họa, theo VOV

Thực trạng giáo viên bỏ nghề không phải chuyện xa lạ thời gian qua, đơn cử như tại TPHCM, riêng giáo viên mầm non, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 giáo viên bỏ việc hoặc chuyển việc vì không sống nổi với nghề.

Đây là thực trạng đáng báo động, cần phải có giải pháp khắc phục; để giáo viên có thể sống được với nghề là một bài toán khó không chỉ riêng của ngành giáo dục.

Sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đi dạy thì lại hưởng mức lương quá thấp, đây cũng là lý do mà kỳ tuyển sinh vừa qua, nhiều học sinh không còn thiết tha chọn ngành sư phạm, dẫn đến điểm tuyển sinh phải hạ thấp để tuyển  đủ chi tiêu đào tạo.

Nghề giáo rất đặc thù, giáo viên phải gánh trách nhiệm nặng nề là đào tạo, giáo dục những thế hệ tương lai của đất nước và nghề giáo từ xưa đến nay luôn được xem là một nghề rất cao quý, được xã hội xem trọng.

Để bám trụ với nghề, không ít giáo viên đã làm thêm nhiều công việc khác nhau như kinh doanh, buôn bán, chạy xe ôm hoặc dạy thêm…để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Những giáo viên bám trụ được với nghề là do họ yêu nghề chứ không hề có ý định làm giàu từ nghề này. Do đó, cần phải xem xét toàn diện lại các quy định hiện hành liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên các cấp học trong hệ thống giáo dục công lập ở nước ta, từ đó có thể điều chỉnh mức lương phù hợp để họ ổn định cuộc sống.

Lâu nay, khi đề cập đến chuyện tăng lương thì câu hỏi của cơ quan quản lý đó là: “Tiền ở đâu?”. Không có tiền để tăng lương cho cán bộ, công chức nguyên nhân xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém; tình trạng tham nhũng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng chưa có biện pháp khắc phục; tình trạng nợ công tăng cao; bộ máy nhà nước thì cồng kềnh; việc tinh giản biên chế còn chậm; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước được hưởng lương cao nhưng trình độ, năng lực làm việc thì lại hạn chế…

Đây là biểu hiện của sự lãng phí, thất thoát cần được chấn chỉnh kịp thời. Nếu khắc phục tình trạng này, thì việc bố trí ngân sách để trả lương cho cán bộ, công chức nói chung và giáo viên nói riêng thì không phải là điều khó khăn.

Bên cạnh đó, cần phải bố trí nguồn kinh phí để chi phụ cấp thu hút giáo viên về làm việc, nhất là bậc giáo dục mầm non hoặc giáo viên đang công tác ở địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, để họ yên tâm công tác mà không phải tìm việc làm ngoài để kiếm thêm thu nhập.

Một khi giáo viên đã an tâm công tác, thì lúc này chất lượng giáo dục mới có thể nâng lên; nghề giáo mới được mọi người kính trọng, sinh viên sẽ ưu tiên chọn ngành sư phạm… và sẽ không còn xảy ra những câu chuyện buồn của ngành giáo dục như thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ