Để giáo dục thể chất có “chất”

GD&TĐ - Giáo dục thể chất (GDTC) - môn học chiếm một vị trí hết sức quan trọng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phương pháp luyện tập thể dục thể thao (TDTT), nâng cao sức khỏe và trí thông minh, giúp thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh, có tính kỷ luật.... 

Để giáo dục thể chất có “chất”

Đây là môn học không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục con người phát triển toàn diện. Tuy nhiên bấy lâu môn học dường như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vì thế để đáp ứng được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đòi hỏi phải có sự đột phá mới cho môn học này.

Vị trí đã được đặt đúng nhưng vẫn chưa có “chất”

Thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình GDTC chính khóa; 75% số trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, thu hút khoảng 70% trong tổng số gần 15 triệu học sinh (HS) phổ thông tham gia.

Phong trào TDTT học đường ngày càng được chú ý với nhiều cách làm sáng tạo như các câu lạc bộ thể thao đa môn, đơn môn; những hoạt động vui chơi giải trí kết hợp các môn thể thao hiện đại với các môn truyền thống, các trò chơi dân gian theo hình thức rèn luyện tập trung hoặc xen kẽ, lồng ghép trong các giờ giải lao, các hoạt động ngoại khóa bổ ích…

Những việcnày đã tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn, góp phần giáo dục lối sống lành mạnh cho HS … được xã hội đánh giá cao khẳng định chưa có thời điểm nào phong trào TDTT học đường sôi động và phát triển như giai đoạn hiện nay.

Điều đó chứng tỏ sự định hướng đúng đắn của Đảng và nhà nước, sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các sở, ngành địa phương đối với môn học này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy GDTC ở hầu hết các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay bên cạnh thời lượng còn rất hạn chế, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông chỉ có 2 tiết/tuần, các tiết học thể dục cũng hầu hết vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như cách đây mấy chục năm, chưa cập nhật được các cách tập luyện mới...

Cho nên hầu như HS không có hứng thú với tiết thể dục. Hay nói cách khác là mặc dù môn học GDTC được đặt đúng vị trí nhưng môn học vẫn chưa thực sự có chất lượng.

Cần cuộc “cách mạng” căn bản và toàn diện cho môn học này

 Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh: Bên cạnh phần giáo dục kiến thức, GDTC phải có vị trí tương xứng với những điều chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học để không nhàm chán.

Vì thế vấn đề mấu chốt lúc này là phải bắt đầu đổi mới bằng việc tiến hành ngay cuộc “cách mạng” bắt đầu từ việc chuyển đổi nhanh, mạnh cách nghĩ, cách làm giáo dục, đào tạo cũ. Cụ thể sớm xây dựng chương trình đào tạo giáo viên GDTC chuyên cho từng cấp học giống như các môn, Toán, Văn ở từng bậc học. Cụ thể là đào tạo, giáo viên GDTC dạy ở bậc Tiểu học; giáo viên GDTC dạy ở bậc THCS; giáo viên GDTC dạy ở THPT và đại học.

Thực tế môn học GDTC cũng như các môn học khác có tính liên thông, nó cũng có thể giống như môn Toán, môn Văn…. Nếu ở môn Toán bậc Tiểu học, học sinh bắt đầu làm quen với những con số, phép tính đơn thuần, thì lên từng cấp học sẽ tiếp cận sâu hơn với những bài toán, phép tính khó.

Tương tự ở nội dung môn học GDTC mỗi cấp học cũng đòi hỏi cần có một chương trình học phù hợp đúng với đối tượng. Cụ thể như: Đối tượng HS tiểu học hoàn toàn khác với đối tượng HS trung học cơ sở, HS trung học phổ thông…

Điều đó cũng đồng nghĩa để môn GDTC thực sự phát huy đúng theo tinh thần nội hàm của nó, thì đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên GDTC chuyên cho từng cấp, bậc học để đáp ứng chuyên môn hóa sâu. Lưu ý chuyên môn hóa sâu ở đây không phải là chuyên môn hóa sâu về TDTT mà là chuyên môn hóa sâu về khả năng kiến thức tổng hợp của người giáo viên GDTC hội tụ đủ cả về kiến thức TDTT, kiến thức dinh dưỡng thể chất, kiến thức vệ sinh…

Vì vậy, cần nhanh chóng có chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Thực tế cho thấy GDTC ở hầu hết các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay bên cạnh thời lượng còn rất hạn chế, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông chỉ có 2 tiết/tuần, các tiết học thể dục cũng hầu hết vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như cách đây mấy chục năm, chưa cập nhật được các cách tập luyện mới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ