Để đường tới trường bớt chông chênh

GD&TĐ - Nhằm chia sẻ với học trò dân tộc hoàn cảnh khó khăn, những người lính Biên phòng đã tự nguyện gánh vác thêm trách nhiệm để đường tới trường rộng mở

Chiến sĩ Biên phòng hỗ trợ học sinh học tập.
Chiến sĩ Biên phòng hỗ trợ học sinh học tập.

Không để khó khăn cản bước tới trường

Nhà nghèo, đường đến trường quá xa, không ít học trò dân tộc ở khu vực biên giới vất vả mới tới được trường. Có những em mồ côi cha, mẹ, đã phải bỏ học giữa chừng, cuộc sống vô cùng thiếu thốn.

Vừ Mí Tủa - con nuôi của Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP Hà Giang) là một ví dụ. Nhà Tủa có 4 anh chị em và cách trường học 20km. Đường đến trường của em vô cùng chông chênh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đường đi dốc đứng, chỉ rộng chừng 60cm, một bên là núi, một bên là vực thẳm, mỗi lần tới trường, bố em phải chở xe máy, nhiều đoạn phải đẩy xe đi bộ mất chừng 3 tiếng.

Cuộc sống của gia đình Tủa rất khó khăn do chỉ có ít ruộng nương. Để giúp Tủa có điều kiện ăn học tốt hơn, Đồn Biên phòng Xín Cái đã xin phép gia đình nhận em làm con nuôi và đón về đơn vị nuôi dưỡng. Tủa được những người bố nuôi chăm sóc chu đáo, mua sắm đầy đủ sách vở, quần áo, hướng dẫn học tập, rèn luyện và nề nếp sinh hoạt của đơn vị.

Từ ngày về đồn, bữa cơm của Tủa luôn có cá thịt, đủ chất dinh dưỡng nên em lớn trông thấy. Còn những người lính ở Đồn Biên phòng Xín Cái rất tự hào vì Tủa đã cứng cáp, ngoan ngoãn, có ý thức tự giác, tự tin hơn rất nhiều.

Đặc biệt, từ một đứa trẻ dân tộc nhút nhát, giờ em mạnh dạn viết thư về người bố nuôi của mình tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 50 và đoạt giải “Cây bút triển vọng”…

Hai con nuôi đồn Biên phòng Xín Cái được những người lính chăm sóc dạy bảo tận tình.

Hai con nuôi đồn Biên phòng Xín Cái được những người lính chăm sóc dạy bảo tận tình.

Điểm tựa nơi biên cương

Cậu học trò người Mông là Ma Seo Khoa đã sống cùng với những người bố nuôi ở Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (BĐBP Lào Cai) hơn 3 năm. Em thuộc hết tên cán bộ, chiến sĩ, quen với nề nếp sinh hoạt của đơn vị. Sáng sớm em thức giấc cùng những người lính Biên phòng, tập thể dục, dọn vệ sinh nội vụ, ăn sáng rồi đến trường học. Buổi chiều lại tham gia cùng những người lính tăng gia sản xuất. Được ăn uống đủ dinh dưỡng, Khoa lớn phổng lên chỉ sau một thời gian ngắn ở đồn Biên phòng. Mỗi lần Khoa về thăm nhà mẹ em đều vui mừng, ngạc nhiên vì con đã khôn lớn.

Bố bị bệnh mất từ khi Khoa còn rất nhỏ, mẹ của em phải một mình nuôi 4 con, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn. Vì thế, khi Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đề nghị giúp gia đình nuôi dưỡng Khoa, đôi vai của chị Giàng Seo Dua - mẹ đã nhẹ hơn.

Không chỉ giúp chị Dua nuôi nấng con trai, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu còn vận động các nhà hảo tâm xây tặng 5 mẹ con ngôi nhà trị giá 140 triệu đồng. Đơn vị còn thường xuyên tặng các nhu yếu phẩm cho mẹ con chị Dua. Sự giúp đỡ của những người lính biên phòng đã giúp chị tự tin hơn trong cuộc sống. Có được sự hỗ trợ giúp đỡ thiết thực, ý nghĩa này, chị Dua trao đổi: Tôi rất biết ơn Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ gia đình. Cuộc sống của 5 mẹ con đã bớt vất vả, đặc biệt với Khoa đã có cuộc sống với điều kiện vô cùng tốt để có thể học tập, phát triển…

Ngoài Khoa, Đồn BP Tả Gia Khâu còn nhận nuôi cậu bé Lý Lưu Cường, sinh năm 2010. Bố mẹ Cường thường xuyên ốm đau, cuộc sống khó khăn. Khi gửi con cho bộ đội, anh Lý Seo Chúng, bố của Cường vô cùng xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn, may khi được các chú bộ đội biên phòng nhận Cường làm con nuôi. Gia đình tôi vui và hạnh phúc. Tôi tin rằng con ở với các chú bộ đội sẽ có điều kiện học tập tốt hơn ở nhà…”.

Niềm tin của anh Chúng đã đúng. Về đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Cường được bố trí ở phòng riêng cùng với anh Khoa. Những người lính chăm lo cho 2 anh em chu đáo, sắm sửa quần áo, sách vở, bàn học, tủ quần áo đầy đủ… Cường học giỏi, ngoan ngoãn và làm quen nhanh với nề nếp sinh hoạt đơn vị.

Đến nay, cả 2 cậu con nuôi của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đều trưởng thành hơn nhiều, các em đã có kỹ năng sống tốt hơn, nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi hoạt động và có ý thức tự giác. Đặc biệt, những người lính Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã dành cho các con nuôi sự chăm sóc, tình yêu thương quý giá. Từ đây, con đường phía trước của hai em đang ngày càng rộng mở.

Ngoài việc nuôi dưỡng Khoa và Cường, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu còn phối hợp với các đơn vị, cơ quan của Bộ Tư lệnh BĐBP nhận đỡ đầu, hỗ trợ 14 học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Với sự giúp đỡ của những người lính, cuộc sống của các em học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn đang được bù đắp, tạo những tiền đề thuận lợi. Từ đây, các em thêm vững vàng tâm thế để tích lũy tri thức, có tương lai tươi đẹp...

Em Vừ Mí Tủa - con nuôi Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP Hà Giang). Trong bức thư em viết cho bố (những người lính Biên phòng) để tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 50 có đoạn: “Thương gửi bố “Siêu nhân màu xanh” yêu kính của con! Có lẽ bố sẽ thấy ngạc nhiên lắm khi nhận được lá thư này của con. Hẳn là bố sẽ chau mày phán đoán, không hiểu “cu cậu” có “ý đồ” gì mà lại viết thư gửi bố? Bố ơi, trong những ngày này, khi cả nước ta đang cùng hiệp tâm, căng mình chống dịch Covid-19 thì những người lính BP như bố càng phải đảm nhận phần gian nan, vất vả nhiều hơn. Vì sự bình yên miền biên cương của Tổ quốc, nhiều khi đang bữa cơm, bố và đồng đội nhận lệnh là vội lên đường làm nhiệm vụ. Cô giáo con nói: “Sự hy sinh thầm lặng của những người lính Biên phòng đã góp phần to lớn để đất nước ta đẩy lùi đại dịch”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.