Để doanh nghiệp trở thành nơi đào tạo sinh viên thực hành nghề

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc thực tập của nhiều sinh viên trường nghề gặp không ít trở ngại. Vì vậy, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Để doanh nghiệp trở thành nơi đào tạo sinh viên. Ảnh minh họa
Để doanh nghiệp trở thành nơi đào tạo sinh viên. Ảnh minh họa

Tạo điều kiện thực hành, thực tập cho sinh viên nghề

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh, sinh viên ở một số trường nghề chưa được thực hành, thực tập. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Vì thế, khi các hoạt động được mở lại ở trạng thái bình thường mới, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh, sinh viên.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) - cho biết, thống kê của riêng TPHCM, nhu cầu về lao động qua đào tạo đến quý IV là 87,14%. Trong đó lao động đại học chỉ 20% còn lại là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Nhu cầu lao động không qua đào tạo chỉ chiếm 10%. Thực tế này cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo không hề nhỏ, nhất là trong năm nay các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, hoàn thiện các kế hoạch mà năm cũ chưa làm xong.

TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, cho biết, 90% học sinh của trường từ năm thứ 3 trở đi đã được các doanh nghiệp nhận. Điều này cho thấy, sự khan hiếm của lao động nghề cũng như sự thích ứng linh hoạt của trường nghề trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc thực hành, đào tạo tại doanh nghiệp có khó khăn là khi sử dụng chuyên gia của doanh nghiệp sẽ thiếu yếu tố sư phạm. Điều này chưa bảo đảm chuẩn nhà giáo thực hành dù họ rất giỏi về chuyên môn, buộc trường phải đưa giáo viên kèm theo. Vì vậy, cần bổ sung thêm các điều kiện về năng lực của chuyên gia trong quá trình đào tạo để doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cùng với nhà trường.

Đại diện Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh chia sẻ thêm, vấn đề thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp là hình thức phù hợp hoàn toàn có thể tin tưởng để triển khai rộng rãi. Tùy theo doanh nghiệp mình đưa đi, doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao thì yêu cầu sản phẩm người lao động làm ra ít nhất là bằng hoặc cao hơn các tiêu chí trong thi kỹ năng nghề. Khi đó, nhà trường sẽ chia tổ để các em thi hiệu quả.

Bên cạnh đó, có thể bám ngay vào các tiêu chí thông số kỹ thuật học sinh đang làm, doanh nghiệp cung cấp cho thị trường để đánh giá học sinh, sinh viên. Lúc đó, kết quả là hoàn toàn đáng tin cậy. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển.

“Vấn đề đào tạo thi trực tuyến các bộ môn để tránh độ trễ, quên kiến thức là phù hợp bởi nhiều địa phương vẫn học online nên khó thi ngay với những môn học còn phần thực hành. Giải pháp là các trường cần linh hoạt, chủ động tính toán cho phù hợp. Chẳng hạn, trao đổi với doanh nghiệp về thời gian thi tốt nghiệp của học viên sau khi đã được tuyển dụng vào để tránh ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp đó”, TS Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.

Để doanh nghiệp không chỉ là nơi thực tập của sinh viên

Trong giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà trong cả vấn đề thực tập, thực hành. Điều này nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của học sinh, sinh viên có những thay đổi.

Đại diện Công ty LS Electric Việt Nam cho biết, doanh nghiệp luôn mong muốn sinh viên có thể làm việc đa chức năng để thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời giúp người lao động đạt hiệu quả cao trong công việc.

Trước những yêu cầu của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, nhà trường nên đẩy mạnh việc kết hợp với các doanh nghiệp để có những dự đoán về số lượng lao động cụ thể. Từ đó tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo và hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm sau khi đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải linh hoạt, có thể đào tạo, thực hành ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không cứng nhắc trong vòng 8 tiếng.

TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các trường cần sàng lọc xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa học sinh đi thực tập.

“Cả doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau để có chương trình đào tạo linh hoạt. Từ đó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Về việc bổ sung thêm năng lực của chuyên gia trong quá trình đào tạo, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, thời gian tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ phối kết hợp với các đơn vị liên quan. Mục đích để xây dựng chuẩn nhà giáo, thu hút người vào hệ thống đào tạo, đồng thời bảo đảm chất lượng nguồn lao động.

TS Phạm Vũ Quốc Bình cũng thông tin vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nằm trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó không chỉ đặt vấn đề làm sao nâng cao năng lực đào tạo của các nhà trường, mà còn đề cập đến năng lực đào tạo của các doanh nghiệp cần nâng cao như thế nào. Theo đó, chiến lược nhấn mạnh cần cung cấp nâng cao năng lực để doanh nghiệp trở thành nơi đào tạo sinh viên thực sự, không chỉ là nơi các em đến thực tập một thời gian ngắn rồi về trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ