Để con nói “không” với tính ích kỷ

GD&TĐ - Các bậc làm cha mẹ cảm thấy rất khó khăn trong việc uốn nắn con cái, đặc biệt là khi con trẻ trở nên ích kỷ và khó bảo hơn. 

Để con nói “không” với tính ích kỷ

Tuy nhiên, chính sự nuông chiều thái quá của chúng ta là nguyên nhân khiến cho bé yêu trở nên ích kỷ, một thói quen không hề có lợi cho bé khi hòa nhập vào xã hội. Làm thế nào để dạy con cách sống không ích kỷ? 

Băn khoăn của cha mẹ

Nhiều bậc cha mẹ đã thực sự băn khoăn lo lắng khi thấy sự ích kỷ của con ngày càng nghiêm trọng. Anh Tuấn Minh, nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có cậu con trai khá “khó dạy” chia sẻ: “Đã lên cấp hai rồi nhưng Nhật luôn nhõng nhẽo, đến giờ ăn nếu mẹ chưa kịp lấy bát đũa ra cậu bé cũng chỉ ngồi im ở bàn ăn chờ đợi chứ không biết lấy ra hộ mẹ.

Càng lớn, bé Nhật con trai anh càng tỏ ra ích kỷ với bố mẹ. Cậu bé chỉ biết đòi hỏi bố mẹ làm điều này, điều kia cho mình mà không bao giờ chịu giúp đỡ bố mẹ trong bất cứ việc gì hay quan tâm đến suy nghĩ của bố mẹ. Gia đình anh chị rất lo lắng con sẽ trở thành người ích kỷ, hẹp hòi và dửng dưng với mọi người”.

Chị Lê Thị Hạnh, (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Không hiểu vì sao cậu con trai của chị càng ngày càng bộc lộ lối sống ích kỉ một cách... đáng lo. Ở gia đình chị, thậm chí mọi việc như đi rửa tay, đi giày, xếp sách vở vào cặp sách của cậu con trai đều do người giúp việc làm hộ, đáp ứng bất kỳ nhu cầu khi con muốn.

Thậm chí, khi cả gia đình đang xem một chương trình tivi, nếu con yêu cầu xem phim hoạt hình thì ngay lập tức được đáp ứng. Đôi khi, bé quậy phá, la hét, gắt gỏng hay có những hành động thái quá chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của mọi người nhưng vẫn được ông bà xem là chuyện bình thường. Mỗi khi có bạn hàng xóm đến chơi, cậu bé thường cất giấu đồ chơi và không cho bạn chơi cùng đồ chơi mới”.

Cha mẹ hãy làm gương

Chia sẻ về vấn đề này, TS tâm lý Vũ Thu Hương, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, tính ích kỷ có ở trong mỗi người ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Bản năng con người là luôn luôn chăm lo cho bản thân, đó là bản năng mà bất kể loài sinh vật nào cũng có cả.

Vì thế, nếu trẻ có ích kỉ thì cũng là bản năng bình thường của con người. Tuy nhiên, làm sao cho trẻ bớt ích kỷ thì đầu tiên cha mẹ phải biết “công bằng và làm gương”.

Theo TS Vũ Thu Hương, sự công bằng càng tuyệt đối thì tính ích kỉ càng giảm. Chẳng hạn, khi có một món ăn mẹ mua về, mẹ phải chia đều phần ăn cho cả nhà, con nhìn vào và thấy khẩu phần của mọi người như nhau, con sẽ quen với việc tôn trọng quyền lợi của người khác.

Hay khi mẹ đưa đi chơi thì không chiều theo mọi yêu cầu của con mà sẽ mua cho đủ để cả nhà cùng sử dụng. Hai 2 anh em/chị em tranh giành nhau, cha mẹ phân xử công bằng chứ không bắt ai nhường ai cả.

(Có thể tịch thu luôn món đồ đang bị tranh giành)... Khi công việc nhà cũng được chia đều để con không thấy con có đặc quyền đặc lợi gì hơn những người khác trong nhà... Với tất cả những hành động đó được lặp đi lặp lại liên tục, con sẽ hình thành được thói quen tôn trọng những quyền lợi của người khác.

Cha mẹ cũng đừng quên thực hiện nghiêm chỉnh các trách nhiệm của cộng đồng giao phó. Ví dụ: Được phân công quét hành lang trong tháng thì cũng nên làm nghiêm chỉnh để làm gương cho con cái...

“Cha mẹ cũng đừng xông ra hôi của khi thấy có điều kiện vì cái được là chút đồ nhưng cái mất chính là đạo đức của con cái mình. Ngoài ra, lâu lâu, cha mẹ rủ con hoạt động thiện nguyện cũng là một hình thức có lợi cho việc dạy con sẻ chia và chung tay với cộng đồng” - TS Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ