Với những học sinh lớp 12 thì quãng thời gian hơn một tháng nữa cũng cực kỳ căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi chung quốc gia… Vì vậy, phụ huynh có vai trò rất quan trọng giúp con vượt qua nỗi sợ hãi thi cử khi mà áp lực thi cử vượt quá giới hạn chịu đựng.
Cùng con tạo ra động lực
Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì “ép” con bằng mọi giá phải thành công, cha mẹ nên là người bạn song hành để định hướng, giúp đỡ con trên con đường tới đích.
Hãy động viên thay vì thúc giục, gò ép hoặc đưa ra sự trừng phạt, phụ huynh cần cố gắng là người hiểu con, đồng hành với con trong mùa thi cử.
Rút kinh nghiệm cậu con trai lớn luôn có tâm lý “học hộ” bố mẹ, chị Tâm Anh (ngõ 208 - Lê Trọng Tấn - Hà Nội) không tạo áp lực cho cô con gái bằng khẩu lệnh: “Kỳ thi này nhất định con phải đỗ vào Kim Liên”, chị chỉ nhẹ nhàng tâm tình với con: “Kỳ thi này chắc chắn có nhiều khó khăn, con hãy nỗ lực hết sức mình nhé. Cứ nỗ lực hết mình, kết quả có thế nào cũng không phải nuối tiếc con ạ!”.
Con chị Hồng Thu (nhà sách Tân Tỵ) học giỏi toàn diện, dù con giành được giải Nhì tiếng Anh cấp quận nhưng vợ chồng chị cũng tránh tự tin thái quá, không tự hào khoe khoang với người khác về con. Bạn bè, người thân ai cũng nói với sức học của con trai chị thì việc đỗ đại học vào trường tốp đầu chả đến nỗi khó khăn gì nhưng chị vẫn tránh tâm lý chủ quan, sớm tự mãn cho con: “Năm nay Kỳ Anh thi đại học. Cháu cũng đang cố gắng hết mình, còn kết quả thế nào thì phải thi xong mới biết”...
Trong thực tế, tâm lý học sinh giữa mùa thi lúc nào cũng ở trong tâm trạng lo lắng, nghĩ đến thi cử, bài vở là toát mồ hôi hột. Nỗi sợ cũng muôn vẻ, sợ bị điểm kém, sợ trượt đại học, sợ làm bố mẹ “mất mặt”, sợ thua kém bạn bè… Nếu cứ để các sĩ tử giữ tư tưởng như vậy, “chẳng chóng thì chày” các em sẽ chán ngấy học hành, ôn luyện.
Từng có con bị rối loạn cảm xúc sau mùa thi vì trượt nguyện vọng vào trường chuyên, chị Hồng Hạnh (Bảo tàng Hà Nội) chia sẻ: Phụ huynh hãy trò chuyện với con rằng chỉ cần mình cố gắng hết sức và không bỏ cuộc thì dù kết quả có ra sao cũng không hối hận. Hãy khuyên con không ép buộc, tạo áp lực cho bản thân. Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, con hãy bình tĩnh, tỉnh táo để chọn lựa con đường phù hợp nhất với bản thân. Dù chưa đạt kết quả mong muốn thì ngày mai vẫn là một ngày mới, ta lại có thêm một cơ hội để cố gắng, thành công chưa đến thì rồi cũng đến.
Sự chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu của cha mẹ chính là liều thuốc giúp con vượt qua cơn khủng hoảng dễ dàng hơn.
Nâng cao thể trạng
Theo bác sĩ Trần Quang Hải (Bệnh viện Xanh Pôn): Bên cạnh sự động viên kịp thời, cha mẹ nên có chế độ dinh dưỡng chăm sóc con phù hợp. Nên hướng dẫn con thư giãn hợp lý xen kẽ những giờ học. Trẻ đang tuổi lớn, nếu cứ ngồi lì một chỗ lâu quá sẽ không tốt cho trí lực. Để mắt và cơ thể nghỉ ngơi sau 45 - 60 phút, vận động nhẹ giữa các giờ học; khi nghỉ ngơi, tranh thủ uống một cốc sữa hay cốc nước hoa quả để bổ sung dưỡng chất.
Cùng với đó, việc bổ sung dinh dưỡng là vô cùng quan trọng giúp cơ thể nâng cao đề kháng, tránh “ốm” đúng vào kỳ thi, đặc biệt là tăng sự minh mẫn cho não bộ, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cha mẹ đừng quên bổ sung cho con các sản phẩm bổ não có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với tác dụng tăng tuần hoàn máu não, tăng khả năng tập trung cho não bộ để tránh tình trạng “nhớ nhớ quên quên”, học trước quên sau…
Cha mẹ cũng cần hướng dẫn con cách “xả stress”. Có muôn vàn cách xả stress nhưng không phải cách nào cũng hiệu quả. Phụ huynh cố gắng kiểm soát con, ép con học nhiều quá chúng sẽ nảy sinh nhu cầu trốn học đi chơi một lúc. Đánh đổi vài phút vui trước mắt nhưng khoảng thời gian con học bù lại kiến thức đã mất sẽ khiến các sĩ tử mệt hơn.
Chị Phương Hoa (phố An Dương - Hải Phòng) chia sẻ kinh nghiệm chăm con mùa thi: Những lúc con căng thẳng, mình khuyến khích con nghe nhạc, những bản nhạc tươi sáng, sôi động sẽ khiến tâm trạng yêu đời hơn. Hoặc là khuyến khích con cùng các bạn chơi một một môn thể thao dùng sức nào đó như bóng rổ, bơi lội, chạy bộ… Những hoạt động này giúp cơ thể không bị trì trệ, uể oải. Hơn nữa, khi các con chơi thể thao, chúng bị cuốn hút vào cuộc đua mà không nghĩ đến những chuyện vớ vẩn, nặng nề.