"...Đặc biệt là phải có bản lĩnh, năng lực đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, không những đội ngũ giáo viên phải giỏi mà hiệu trưởng nếu không giỏi thì công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông cũng sẽ thất bại”, Nhà giáo ưu tú Phan Đức – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Kon Tum) nhìn nhận.
Yêu cầu gắn liền với trách nhiệm
Theo Nhà giáo ưu tú Phan Đức, chuẩn hiệu trưởng phải đạt được các mục tiêu: để xếp loại, đánh giá chất lượng hiệu trưởng/các phó hiệu trưởng; bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý, lãnh đạo trường học của cán bộ quản lý; là một trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ quản lý; giáo viên, nhân viên và các cấp quản lý trực tiếp nhận định, đánh giá, giám sát, góp ý cho hiệu trưởng, góp phần tạo dựng môi trường dân chủ trong trường học.
Nhìn nhận về những hạn chế, bất cập trong đánh giá, xếp loại chuẩn hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Phan Đức bày tỏ: Hiện nay, việc đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn còn nể nang, thành tích, nặng về hành chính, chưa có tác dụng hỗ trợ cho người hiệu trưởng tìm ra và phát huy các năng lực tốt nhất của họ, đồng thời khắc phục các điểm yếu bằng việc xác định đúng nhu cầu cần học tập để tiến bộ. Đặc biệt là chưa tương xứng giữa chất lượng xếp loại hiệu trưởng với chất lượng giáo dục của nhà trường.
Một số tiêu chí trong 3 tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 29/2009 về chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và Thông tư 14/2011 về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành đã không còn phù hợp với môi trường giáo dục hiện đại, đổi mới hiện nay. Bất cập lớn nhất của chuẩn hiệu trưởng là những tiêu chí còn chung chung, mặc dù yêu cầu trong đánh giá phải có minh chứng cụ thể nhưng thực tế không đo đếm, định lượng được, còn mơ hồ và nặng về hình thức.
Chẳng hạn các tiêu chí như “Hiểu biết chương trình giáo dục, Tự học và sáng tạo, Thiết kế và định hướng triển khai, Phát triển môi trường giáo dục”,… Quan trọng hơn, những yêu cầu gắn liền với trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhà trường của hiệu trưởng lại ít được quan tâm. Người hiệu trưởng có vai trò là “thủ lĩnh, đầu tàu” của nhà trường nhưng hiện nay, họ có quá ít quyền tự chủ và ít cả trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, trong công tác bổ nhiệm hiệu trưởng của chúng ta hiện nay chưa căn cứ theo chuẩn để bổ nhiệm mà chủ yếu lại theo quy hoạch nên còn nặng về hành chính, vì thế không phát hiện đúng người hiệu trưởng giỏi, có tâm huyết với nghề.
Hội đủ các phẩm chất
Theo Nhà giáo ưu tú Phan Đức, nội dung Chuẩn hiệu trưởng mới cần dựa trên mối quan hệ giữa các đầu mối công việc cốt lõi với nhiệm vụ chính mà hiệu trưởng phải thực hiện (để tránh tình trạng ôm đồm nhiều thông tin đánh giá và kỳ vọng quá lớn trong đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn), dựa trên một số yêu cầu về năng lực và phẩm chất người lãnh đạo đáp ứng đổi mới công tác quản trị trường học, dựa trên một số tiêu chí đánh giá về các chỉ số thành tích của nhà trường…
Nội dung Chuẩn hiệu trưởng mới cần phải ngắn gọn, cốt lõi và rõ ràng; đặc biệt phải dễ nhớ, dễ đánh giá và thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra. Nội dung Chuẩn hiệu trưởng mới cần làm rõ 2 hợp phần: năng lực, phẩm chất chung và chuyên biệt của người hiệu trưởng, bao gồm: Phẩm chất, năng lực của nhà lãnh đạo (năng lực và phẩm chất chung): Phẩm chất chính trị và đạo đức, ngoại ngữ, tin học…; và phẩm chất, năng lực của nhà quản trị trường học (năng lực và phẩm chất chuyên biệt): Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, tích cực; năng lực quản lý chất lượng giáo dục;...
“Hiện nay, đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn theo từng năm học, đây mới là điều kiện cần; để đánh giá, xếp loại đúng chất lượng hiệu trưởng, đặc biệt là sự thành công hay tiến bộ của người cán bộ quản lý theo Chuẩn cần phải có thời gian khoảng 3 năm học (đây là điều kiện đủ).
Đây là thời gian cần thiết, vừa đủ để người hiệu trưởng hoàn thành việc triển Kế hoạch chiến lược nhà trường, vừa củng cố và xây dựng các giá trị cốt lõi của tổ chức. Bởi vì chất lượng giáo dục và thương hiệu giáo dục nhà trường muốn bền vững phải có thời gian kiểm chứng, thừa nhận. Không thể chỉ vì năm học này xếp loại trung bình mà có thể đánh giá người hiệu trưởng này chưa thành công hoặc ngược lại vì xếp loại hiệu trưởng xuất sắc mà đã khẳng định đây là cán bộ quản lý giỏi thì cũng chưa chắc chắn.
Mặc khác, với thời gian đánh giá trong khoảng 3 năm học sẽ vừa đủ để các cán bộ quản lý còn thiếu và yếu về kỹ năng họ có đủ thời gian tự học, tự bồi dưỡng để tiến bộ và thành công trong “nghề” làm quản lý, lãnh đạo của mình”, Nhà giáo ưu tú Phan Đức chia sẻ.