Đề án kiên cố hóa trường lớp học: Mảng màu mới cho bức tranh giáo dục

Đề án kiên cố hóa trường lớp học: Mảng màu mới cho bức tranh giáo dục
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa, từ internet.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa, từ internet.

6.584 phòng học được hoàn thành, đưa vào sử dụng thay thế cho những phòng học tạm bợ xuống cấp, 1.118 nhà công vụ cho GV trên địa bàn Thanh Hóa được bàn giao, là kết quả sau 5 năm thực hiện “Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đạt được kết quả đó là do UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, như tỉnh phân cấp cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn vị thụ hưởng dự án làm chủ đầu tư. Theo đó UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư các công trình trường MN, TH, THCS. Đối với công trình thuộc trường THPT giao cho hiệu trưởng nhà trường làm chủ đầu tư. Đặc biệt tỉnh hỗ trợ kinh phí tỷ lệ cao hơn cho các địa phương vùng miền núi cao, vùng khó khăn và bãi ngang nhằm giảm bớt khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn, kinh phí hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, được BCĐ của tỉnh và các cơ quan chức năng như Sở GD&ĐT, Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng cũng như BCĐ các huyện, thị xã, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu, trên cơ sở đó UBND tỉnh đã xác định danh mục các phòng học cần được kiên cố hóa và xây dựng kế hoạch phân bổ, bố trí vốn. Việc phân cấp này đã góp phần tăng tính chủ động và trách nhiệm của các xã, phường, thị trấn nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch.

Trưởng phòng GD&ĐT Quan Hóa Phạm Anh Toàn bày tỏ: “Được sự quan tâm của cấp trên và huyện Quan Hóa trường  học ngày càng kiên cố hóa, là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao dân trí của địa phương. Giờ đây mỗi khi mùa mưa, bão về không còn nỗi lo sập phòng, sập trường nữa. Hơn nữa trường học được xây dựng khang trang, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh, phù hợp với các tiêu chuẩn mới về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng số trường đạt chuẩn ngày càng nhiều”.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án vẫn còn 334 phòng học, 128 phòng ở của GV chưa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nguyên nhân do nguồn vốn hỗ trợ chương trình chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án đã giao, nên hầu hết các dự án đều thiếu vốn thanh toán, kể cả các công trình đã có quyết toán, nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán được cho nhà thầu.

Tình trạng biến động giá cả thị trường vật liệu xây dựng, nên kinh phí để thực hiện đề án cũng tăng lên so với dự kiến, trong khi vốn thực hiện đề án áp dụng định mức cũ, nên địa phương gặp khó khăn trong triển khai. Mặt khác, khi các địa phương triển khai thực hiện đề án chỉ vận dụng một số chỉ tiêu cơ bản về trường, lớp học, chứ không áp dụng thiết kế mẫu, do đó làm tăng chi phí thiết kế. Công tác kiểm tra, đôn đốc của BCĐ các địa phương và các cơ quan chức năng chưa sâu sát.

Bên cạnh đó nhiều chủ đầu tư do hạn chế về năng lực chuyên môn xây dựng, chủ yếu dựa vào đơn vị tư vấn, nên ảnh hưởng tới công tác kiểm tra, giám sát; năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công ở một số huyện còn hạn chế, khối lượng công việc lớn trong khi vốn còn khó khăn, do đó tiến độ, chất lượng công trình đã không đạt được như mục tiêu đề ra.

Trong quá trình thực hiện tuy gặp khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đề án vẫn cơ bản hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng, tạo thêm mảng màu mới cho giáo dục xứ Thanh.

 Theo VH&ĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.