ĐBSCL: Chung tay chăm lo cho thí sinh

ĐBSCL: Chung tay chăm lo cho thí sinh
fd
Thí sinh yên tâm qua đò đi thi 

Tỉnh Bạc Liêu có địa bàn rộng, nhiều sông rạch, nhiều nơi thí sinh phải qua đò để đến hội đồng thi. Các huyện vùng sâu, vùng xa như Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đường giao thông cách trở nên không phải gia đình thí sinh nào cũng đủ điều kiện lo cho con em đi thi. Trước tình hình đó, các cấp, ngành ở Bạc Liêu đã tổ chức vận động để có xe, tàu đưa rước HS đi thi. Tạo điều kiện cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa đi thi thuận lợi nhất. Huyện Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân thành đã lập các đội thanh niên tình nguyện tổ chức xe đò và tàu, xuồng đưa rước thí sinh đến các hội đồng thi. Ngoài ra, còn bố trí chỗ trọ, ăn cơm miễn phí cho các thí sinh nghèo trong suốt 3 ngày thi. Sự quan tâm của xã hội đã giúp thí sinh ở Bạc Liêu đã “ấm lòng” để tự tin bước vào kì thi quan trọng này.

Ở tỉnh Vĩnh Long, nhiều hội đồng coi thi có thí sinh ở xa vượt từ 5- 10km tập trung về dự thi như: cụm thi Trà Ôn, cụm thi Tam Bình 2, cụm thi Vũng Liêm 2 đã nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là thầy cô giáo và phụ huynh HS. Tại những nơi này, từ rất sớm đã chuẩn bị công tác tổ chức đưa rước thí sinh, nấu cơm cho các em ăn. Mọi việc được các trường phối hợp với đại diện Hội Cha mẹ HS chăm lo chu đáo. Nhiều nơi, chính tay các thầy cô giáo nấu cơm, nấu nước cho HS để an tâm thi tốt. Như trường THPT Vĩnh Xuân huyện Trà Ôn đã vận động từ nguồn xã hội hóa với số tiền khoảng 10 triệu đồng để hỗ trợ các em HS trường mình buổi cơm trưa và nước uống. Còn trường THPT Hựu Thành (Trà Ôn) liên hệ mượn điểm trường TH thị trấn Trà Ôn để làm điểm nghỉ trưa, ăn cơm cho 60 em HS có hoàn cảnh khó khăn. Các thầy cô giáo của trường đã đi theo đưa rước các em trong suốt kì thi. Ngoài ra còn nấu cơm cho các em ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ sức khỏe và tự tin thi tốt.

Tỉnh Hậu Giang, 14 Hội đồng coi thi của tỉnh đều được bố trí khá thuận tiện cho việc đi lại của thí sinh nên không có nhiều em phải thuê nhà trọ, đa số thí sinh thi xong là về nhà. Trong những ngày thi, theo chỉ đạo chung của tỉnh, các dịch vụ ăn uống tại các khu vực có hội đồng thi giá cả không tăng so với ngày thường.

h
TS được ăn cơm do chính tay các thầy cô nấu

Chỉ cần 12 ngàn đồng là thí sinh có một phần cơm khá ngon với thịt, rau xào, canh, nước uống. Những nơi tập trung đông thí sinh như các hội đồng thi ở TX. Vị Thanh, TX. Ngã Bảy, thị trấn Rạch Gòi (Châu Thành A) điều kiện ăn nghỉ được sắp xếp chu đáo, an toàn đáp ứng nhu cầu thí sinh. Những vùng còn khó khăn như Vĩnh Viễn, Ngã Sáu nhiều trường tranh thủ mượn phòng học của các trường Tiểu học, THCS xung quanh để cho thí sinh nghỉ ngơi buổi trưa.

Tỉnh An Giang vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ các HS có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Tất cả các hội đồng thi đều bố trí máy phát điện dự phòng cúp điện, đã đảm bảo 100% điện chiếu sáng tất cả các hội đồng thi. Vì thế, thí sinh yên tâm, không sợ nắng nóng vì cúp điện. Tỉnh đã chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối tại các khu vực có đặt hội đồng coi thi. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở cho thuê, nghỉ trọ. Tăng cường các tuyến xe buýt, đò, phà đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian diễn ra kì thi.

Ở tỉnh Đồng Tháp nhà trường phối hợp cùng với địa phương và phụ huynh HS tổ chức hợp đồng xe đưa rước thí sinh đi thi. HS các huyện vùng sâu như Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười, Tam Nông và thị xã biên giới Hồng Ngự đi thi thuận tiện.

Bằng sự quan tâm của toàn xã hội đã góp phần rất lớn, giúp các em thí sinh tự tin, yên tâm hoàn thành kì thi. Tuy mỗi tỉnh có điều kiện khác nhau nhưng việc chăm lo cho thí sinh rất chu đáo, nghiêm túc. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của cả cộng đồng cho kì thi và sự nghiệp giáo dục của vùng.

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.