ĐBQH từng nghe dư luận vào được công chức Nhà nước phải có: Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ

GD&TĐ - Đề xuất chính sách đối với người có tài năng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, thu hút được nhiều người có tài năngtrong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước, chất lượng thực thi công vụ của Nhà nước các cấp sẽ được nâng lên vì được thực hiện bởi những người có tài năng.

Tuy nhiên, theo đại biểu thực tế cho thấy, có một số quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, có quy định pháp luật chỉ được thể hiện trên giấy, không hoặc chậm triển khai trong thực tiễn, có quy định bị vận dụng không đúng gây bức xúc trong đội ngũ tạo nên dư luận xã hội không tốt.

“Chúng ta đã từng nghe dư luận xã hội phản ánh không tin vào việc người tài được trọng dụng, cho rằng vào được bộ máy nhà nước, làm được cán bộ, công chức nhà nước là phải có những thứ như: Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ... đó là dư luận” – đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.

Cũng theo đại biểu, thực tế cho thấy, những người có tài năng, họ thường không hay đòi hỏi chính sách cho mình, họ thường chú tâm làm việc, vì tinh thần trách nhiệm, vì sự đam mê công việc với cái tài của mình.

“Theo tôi, để thực hiện đúng bản chất của việc trọng dụng người tài cần bổ sung quy định ngay trong dự thảo luật cơ chế để phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài.

Đồng thời cũng cần quy định xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đảm bảo chính sách đối với người có tài năng. Cần quy định minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu để người có trí tuệ, có tài năng có đất để dụng võ” – đại biểu Hương nêu ý kiến.

Đại biểu Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, luật pháp là phải gắn với ngôn ngữ, phải thể hiện một cách chính xác để nhận thức chung. Cho nên câu chuyện nhân tài hay tài năng cũng phải đi đến cùng của nó.

“Thực ra theo quan niệm của tôi chữ “nhân tài” vốn là từ Hán Việt, nên hiểu là năng lực của mỗi con người. Các cụ nhà ta có câu ngạn ngữ rất đơn giản là “dụng nhân như dụng mộc”. Tức là dùng đúng người, đúng chỗ.

Tôi cho tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, tại sao dùng người này vào việc này, người kia vào việc kia, đấy là cách nhận thức ra, tôi nghĩ bộ máy công chức rất cần những yếu tố đó” – đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Cũng theo đại biểu, nếu hiểu theo nghĩa nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài, thì không nằm trong phạm vi của luật này. Chúng ta chỉ bàn chuyện công chức, những công chức có năng lực.

Một công chức khó có thể phát hiện ra một cái gì kiệt xuất, vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định. Quan trọng nhất chúng ta đánh giá con người phải đi cùng với chính sách đãi ngộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ