Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) viện dẫn khi phát biểu thảo luận tại hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Bộc lộ nhiều tồn tại
Theo đại biểu, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, từ khi ban hành luật đã có những tác động tích cực đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Luật đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã nêu sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý sửa toàn diện Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Song, do còn nhiều nội dung chưa thống nhất nên việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã tạm dừng lại. Cả hai dự án này đã được xây dựng công phu, đáp ứng được yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới.
Về nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã cụ thể hóa nhiều nội dung giúp tăng mức độ an toàn cho người tham gia giao thông, nội luật hóa nhiều nội dung trong Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ mà Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa nêu đầy đủ và chưa sát thực tiễn tình hình giao thông của Việt Nam hiện nay.
Bộ đã mô tả và làm rõ một số quy tắc như: tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, đường phụ nhập vào đường chính, mở cửa an toàn, sử dụng còi, đèn tín hiệu tham gia giao thông trên đường cao tốc, trong đường hầm đường bộ phù hợp với thông lệ và cũng đã quy định nhiều quy định đảm bảo an toàn giao thông khác, giúp giảm những tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra hiện nay.
Các quy định mới cũng giúp cho người lái xe dễ dàng thực hiện đúng quy định pháp luật về giao thông, tăng mức độ an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, Luật 2008 cũng chưa quy định cụ thể và đầy đủ các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, chưa bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe, trẻ em, người già và người khuyết tật trong nhiều tình huống qua đường khác nhau cho đường đô thị, đường nông thôn, nơi trường học, siêu thị hay ngoài quốc lộ.
Chưa luật hóa các tiêu chuẩn về công trình giao thông để đảm bảo an toàn giao thông như: quy định về dải phân cách hay những quy định gây tranh cãi, việc đậu xe trước nhà dân, trường học gây bức xúc trong dư luận.
Chuyển từ tập trung tuyên truyền sang tổ chức giao thông hợp lý
Đại biểu đoàn Bình Định viện dẫn, tai nạn giao thông có giảm qua các năm nhưng vẫn còn cao. Trong 6 tháng đầu năm 2021 giao thông đường bộ đã xảy ra 6.000 vụ, làm chết hơn 3.000 người, bị thương gần 4.500 người.
Nguyên nhân được nêu ra chủ yếu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông và chúng ta cũng thường tập trung vào công tác tuyên truyền về an toàn giao thông. “Qua thực tế tham gia giao thông, tôi nhận thấy rất nhiều người vi phạm là do bất cập về hạ tầng giao thông, do tổ chức giao thông chưa phù hợp, do biển báo chưa đảm bảo tiêu chuẩn.
Một số bất cập đơn giản như: đèn tín hiệu, luật chỉ quy định có ba loại: Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, trong khi thực tiễn thì cần tới 9 loại đèn. Hay việc lắp đặt đồng hồ đếm ngược tại các giao lộ giúp lái xe biết khi nào là hết đèn đỏ. Tuy nhiên, chúng ta bố trí không hợp lý nên tại các vị trí này người vượt đèn đỏ lại nhiều hơn trước” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến.
Viện dẫn Thụy Điển từng là nước có số lượng tai nạn hằng năm cao, đại biểu đoàn Bình Định cho hay: Họ chuyển từ việc tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông sang tổ chức giao thông hợp lý, hướng dẫn giao thông rõ ràng, hoàn thiện hạ tầng giao thông.
“Ngày nay họ là một trong những quốc gia có số lượng tai nạn giao thông thấp nhất thế giới. Đây cũng là một cách làm mà Việt Nam cần nghiên cứu, điều chỉnh pháp luật về giao thông để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Theo đại biểu, xã hội văn minh và chấp hành tốt các quy định của pháp luật thể hiện rõ nhất qua hoạt động giao thông của mỗi quốc gia. Vì pháp luật về giao thông là rõ ràng, thực hiện công khai hằng ngày, tác động đến mọi người.
Nếu pháp luật về giao thông rõ ràng, dễ thực hiện, được chấp hành tốt thì việc chấp hành các pháp luật khác cũng sẽ ngày càng tốt hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển xã hội văn minh thu nhập cao. Thay đổi này cần một quá trình lâu dài và cần bắt đầu càng sớm càng tốt.
Với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, trong khi chưa có sự thống nhất về một số nội dung ở các luật về giao thông mà chưa xây dựng luật mới, thì chúng ta cần chọn lọc đưa các nội dung đã được cụ thể hóa, luật hóa, giúp giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông đã được các cơ quan xây dựng xong, đã được đánh giá tác động, đã có thống nhất để chuyển vào luật, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ và bổ sung luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thông qua tại một kỳ họp.
“Luật ban hành sẽ góp phần giảm được hàng ngàn tai nạn, hàng ngàn thương vong trong thời gian sắp tới” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.