Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) nhận xét, dự thảo Luật đã bổ sung các loại dao, vũ khí thô sơ là những công cụ được coi là vũ khí và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng vũ khí, cắt giảm các loại giấy tờ về thủ tục, cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ…
Đa số đại biểu tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang). |
Phân tích cụ thể, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số hơn 28.700 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… có đến trên 25.000 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao để gây án.
Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) phạm tội với tính chất rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận.
Toàn cảnh phiên làm việc. |
Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho biết, hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải/tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội; tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Do đó, việc bổ sung vào dự thảo việc “dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ là cần thiết, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dao là công cụ dễ thấy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án.
Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nếu liệt kê dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). |
Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp Nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.