ĐBQH đề xuất bổ sung bom xăng là vũ khí thô sơ

GD&TĐ - ĐBQH đề xuất bổ sung bom xăng là vũ khí thô sơ, bởi thời gian gần đây, bom xăng đã trở thành một loại vũ khí dẫn đến các vụ án nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.

Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tham gia góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) đề nghị, bổ sung bom xăng là một loại vũ khí thô sơ.

Theo đại biểu, thời gian gần đây, bom xăng trở thành vũ khí cực kỳ nguy hiểm trong những vụ án giải quyết mâu thuẫn, trả thù, thanh toán, dằn mặt nhau.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, khả năng sát thương của các loại bom xăng rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, mặc dù dự thảo Luật cũng có quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 3 đó là “vũ khí khác có tính năng tương tự”, song như đã phân tích trên, bom xăng là vũ khí được sử dụng khá phổ biến thời gian vừa qua, nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc việc quy định cụ thể bom xăng vào dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, Điểm b, Khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật quy định, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao, có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, quy định như dự thảo sẽ tăng tính răn đe với các đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác.

Các đối tượng này không còn lợi dụng dùng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa, xâm hại cơ thể người khác mà được xử nhẹ hơn so với việc dùng vũ khí thô sơ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, phương án này có một số hạn chế. Nếu quy định dao từ 20cm trở lên hoặc dao tự chế là vũ khí thô sơ thì các đối tượng trên sẽ có xu hướng sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định hiện hành nhiều hơn là sử dụng dao từ 20cm trở lên, vì sử dụng vũ khí thô sơ sẽ có lợi thế hơn trong các cuộc ẩu đả.

Cũng theo đại biểu, quy định này sẽ không hạn chế được nhiều trường hợp người dân thường, trẻ em sử dụng dao nhỏ, nhọn mất kiểm soát trong trường hợp giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Để hạn chế được thương vong theo hướng phòng là chính, giúp người sử dụng dao cho mục đích lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt được thuận tiện, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu hàng ngày thì không xem là vũ khí thô sơ.

Khi nào người cầm dao, vật nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là có nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, thể dục thể thao thì lúc đó dao, vật nhọn trở thành vũ khí thô sơ.

Trong trường hợp này, người có nguy cơ bị thương vong, các cá nhân, tổ chức khác có quyền, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chức năng về hành vi cầm dao, vật nhọn đang có nguy cơ gây thương vong cho người khác và cơ quan chức năng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để tước dao, vật nhọn khỏi người đang sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.