ĐBQH đề nghị có lộ trình giảm số lượng cấp phó ở cơ quan Nhà nước sau sắp xếp

GD&TĐ - Trong thời gian không quá 5 năm, các cơ quan sau sắp xếp có số lượng cấp phó vượt quá quy định phải thực hiện lộ trình giảm.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. (Ảnh: Hồ Long)
ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. (Ảnh: Hồ Long)

Ngày 14/2, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Đề cập đến sửa đổi quy định về số lượng cấp phó, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian không quá 5 năm, các cơ quan có số lượng cấp phó vượt quá quy định phải thực hiện lộ trình giảm cấp phó bằng các hình thức như: Tinh giản biên chế, điều chuyển công tác hoặc không bổ nhiệm mới khi có vị trí trống.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất, “chậm nhất sau 5 năm phải giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định”. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, dự thảo chưa đề cập đến các biện pháp cụ thể để thực hiện, dẫn đến nguy cơ kéo dài tình trạng dư thừa nhân sự.

Dự thảo Nghị quyết có quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận nhưng chưa quy định cơ chế hợp tác giữa cơ quan đã bị giải thể/sáp nhập và cơ quan tiếp nhận để xử lý các vấn đề tồn đọng.

Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận. Theo đó, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có quyền tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ mới, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan cũ và cơ quan tiếp nhận, trong thời gian 12 tháng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan cũ có trách nhiệm phối hợp, chuyển giao hồ sơ, tài liệu và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan tiếp nhận để bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Góp ý về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi được Quốc hội thông qua.

Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Hiện có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện nhiệm vụ quyết định thành lập các bộ, cơ quan Trung ương thuộc UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện phải ban hành các nghị quyết.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Nhật Minh, xét về căn cứ pháp lý, các nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa được sửa đổi, bổ sung theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Để áp dụng các văn bản của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì phải chờ Nghị quyết của Quốc hội ban hành.

Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, nếu thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết từ 1/3/2025 là muộn, chưa đáp ứng được mục đích khi xây dựng Nghị quyết.

Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu nhận thấy, khoản 1 và khoản 2 chưa làm rõ việc cơ quan mới được tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có thể sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ mới như thế nào trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này có thể gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán giữa các cơ quan sau sắp xếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ