ĐBQH đánh giá cao quy định quản lý bằng mã số định danh cá nhân 

GD&TĐ - Đồng tình với việc cần thiết phải sửa Luật cư trú, đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung đổi mới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận

Cách mạng “nhỏ” trong quản lý về cư trú

Theo đại biểu, dự thảo Luật cư trú sửa đổi thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể quản lý bằng việc dùng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia chạy trên mạng Internet. Các thông tin về nơi thường trú, tạm trú của mỗi công dân đều là thông tin dữ liệu được điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nơi cư trú.

“Tôi đánh giá cao việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này vì sẽ mang lại lợi ích, sự tiện lợi cho người dân, giúp người dân giảm các thủ tục hành chính như sao y chứng thực giấy tờ, phải lưu giữ nhiều giấy tờ dễ thất lạc, bất tiện” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, đồng thời trao đổi:  

Dự thảo lần này đã giảm nhiều thủ tục hành chính về quy trình, trình tự thủ tục đăng ký cư trú. Đã bãi bỏ một phần hay toàn bộ 13 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân, rút ngắn thời gian giải quyết chỉ còn tối đa 7 ngày (trước đó là 15 ngày).

Đây cũng coi như cuộc cách mạng “nhỏ” trong quản lý về cư trú, tạo thuận lợi đáng kể cho người dân phù hợp xu thế chuyển đổi công nghệ số và thời kỳ 4.0.

Thảo luận cụ thể vào các vấn đề trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan tán thành với báo cáo giải trình của Chính phủ theo phương án 1 với quy định cụ thể là: “Bảo đảm về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 0,8m2 /người”.

Đại biểu cho rằng, 1 trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 0,8m2 sàn/người.

Lý do là mức diện tích nhà ở tối thiểu không thấp hơn 0,8m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mức tổi thiểu 0,8 m2 sàn/người, nhằm đảm bảo điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Ngoài ra, với cách tiếp cận phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước thì việc Quốc hội trao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương quy định điều kiện và diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú cho phù hợp với từng địa phương là hợp lý.

Băn khoăn điều khoản thi hành

Liên quan đến điều khoản thi hành (Khoản 3 Điều 58), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được cấp vẫn có giá trị và được sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2022. Phương án 2: Quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch kể từ khi luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2021).

Băn khoăn cả 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Lan phân tích, nếu theo Phương án 1 thì đến tận ngày 31/12/2022 mới áp dụng đổi mới toàn bộ phương thức quản lý mới. Như vậy là quá muộn. Chúng ta sẽ không theo kịp được hội nhập quốc tế, sự chuyển đổi số, sự nhập cuộc với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng không theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các chủ trương, nghị quyết, chiến lược phát triển của của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội.

Đối với Phương án 2, đại biểu đánh giá cao sự quyết tâm của Bộ Công an, của Chính phủ để đổi mới phương thức quản lý cư trú. Nếu chúng ta làm được như vậy thì rất tốt là một sự đột phá, bước tiến mới trong quản lý cư trú phù hợp với xu thế phát triển xã hội.

Nhưng thách thức đặt ra rất lớn cho Bộ Công an, cho Chính phủ và cho tất cả công dân đó là, khối lượng công việc rất lớn, cần phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất tốt để chuyển đổi phương thức quản lý.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an rà soát về nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia để chúng ra xác định thời điểm áp dụng cho phù hợp để đảm bảo tính khả thi cao nhất của Luật” – đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.