Hiểu đúng về môn học
Có con theo học tại Trường Tiểu học Thái Văn Lung, quận Thủ Đức, TPHCM, chị Trần Thị Liên Hương cho biết: Khi tiếp nhận thông tin học sinh học kiến thức xác suất, thống kê từ năm lớp 2, ban đầu chị rất lo lắng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, chị lại rất ủng hộ đổi mới này.
Theo chị Liên Hương, trên thực tế, hằng ngày, học sinh vẫn vận dụng kiến thức liên quan bộ môn này trong những trò chơi như chơi ô ăn quan, chơi xúc xắc hay qua những đối thoại thường ngày với cha mẹ, kiểu như: Gia đình mình có bao nhiêu người, bao nhiêu nam, nữ; số bút chì mà con có; số sticker mà con nhận được; ngày mai, cả nhà đi ăn tiệc nếu mẹ đi làm về sớm; nếu con bị ướt do mưa, nhiều khả năng con sẽ bị cảm lạnh…
Chị Liên Hương bày tỏ, kiến thức đời thường là thế, nhưng khi trở thành môn học, phụ huynh cũng mong chương trình sẽ nhẹ nhàng, phù hợp với từng độ tuổi, vừa học vừa chơi, để giúp trẻ tư duy tốt hơn, thấy được các bài toán gần gũi với đời sống, từ đó yêu thích môn học hơn.
Liên quan đến việc dạy xác suất, thống kê cho HS lớp 2, tại Hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam, TS Phạm Sỹ Nam, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, thành viên Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới môn Toán, chia sẻ: “Nhiều người cho rằng đây là những nội dung khó, trừu tượng, lý do vì chương trình hiện hành xác suất chỉ được dạy vào năm lớp 11, còn thống kê được học rải rác từ tiểu học, lớp 7, lớp 10. Với chương trình mới, xác suất và thống kê sẽ được dạy từ lớp 2. Điều này không có nghĩa là lôi chương trình từ lớp 11 để dạy cho lớp 2 mà đó là tên của mạch kiến thức. Có những kiến thức đòi hỏi một tiến trình dạy cũng như có quá trình để học sinh trải nghiệm”.
Chương trình phải làm sao khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ban soạn thảo cũng đã tính toán đến việc do điều kiện cơ sở vật chất của các trường ở các địa phương cũng không đồng đều, vì vậy tính mở của chương trình cũng phải ưu tiên hơn.
khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh minh họa |
Vận dụng linh hoạt trong từng bài giảng
Ủng hộ việc đưa nội dung kiến thức của xác suất, thống kê vào dạy bắt đầu cho học sinh lớp 2, ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: Đây là sự đổi mới phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Theo thầy Sơn, nghe thông tin trong chương trình môn Toán các em lớp 2 sẽ học xác suất, thống kê, quả thật nhiều phụ huynh ban đầu rất lo lắng, nhưng khi được giải thích, trao đổi, họ yên tâm hơn.
Trên thực tế, ngay khi còn bé, chính ông bà, bố mẹ và những người xung quanh đã tập cho trẻ biết đếm số thành viên trong gia đình, bao nhiêu nam? Bao nhiêu nữ? Ai là người lớn tuổi nhất? Lớn hơn một chút các con đã biết đếm số bạn trong lớp, đã hiểu được: Nếu trời mưa, thì có thể không được đi công viên chơi; hay xem dự báo thời tiết để mang dù tránh bị ướt…
Ở chương trình hiện hành, học sinh cũng đã học về xác suất, thống kê. Ví dụ chương trình Toán lớp 4, bài làm quen với biểu đồ. Các em đã nhìn hình để thống kê bao nhiêu hình tam giác, hình vuông? Lớp nào tham gia nhiều môn thể thao nhất? Tuy nhiên, nó chưa có tính liên thông, chưa có phân bổ về thời lượng ra sao, yêu cầu về nội dung, kiến thức cụ thể từng khối như thế nào.
Vì vậy, “việc đưa kiến thức xác suất, thống kê vào từ lớp 2 liên thông đến lớp 12 là điều phù hợp và không quá khó khăn để các giáo viên tiếp cận. Quan trọng là bản thân người thầy vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình để các em thấy môn học này gần gũi với cuộc sống. Có thể qua hoạt động học trải nghiệm, qua việc vừa học, vừa chơi các trò chơi, qua dự án học tập đơn giản để truyền tải kiến thức cho các em…”, thầy Sơn cho biết.
Đồng quan điểm trên, thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng: Trên nền tảng cơ bản của nội dung kiến thức của từng bộ môn, khi chương trình mới áp dụng, giáo viên sẽ chủ động vận dụng linh hoạt để giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng. Không chỉ có Toán học mà các bộ môn khác, kiến thức về xác suất, thống kê cũng được thể hiện trong những tình huống, bài học cụ thể mà các em cần được trang bị tư duy xác suất, thống kê để giải quyết.