Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008 – 2020: Lấy chất lượng làm hàng đầu

Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008 – 2020: Lấy chất lượng làm hàng đầu

(GD&TĐ)- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khác với cách tiến hành đổi mới chương trình - sách giáo khoa như trước đây, đối với đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, sẽ chỉ triển khai ở những nơi nào có điều kiện. Đây cũng sẽ là áp lực để những địa phương chưa đủ điều kiện cần tích cực cải thiện, bổ sung để tham gia đề án.

Ngày 25.6, Bộ GD&ĐT cùng với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với sự tham dự của 18 trường ĐH và CĐ trong toàn quốc tham gia đề án. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Thứ trưởng Bùi Văn Ga.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của HS, SV Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu...
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của HS, SV Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu...

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu chung của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ học, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của HS, SV Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu… Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, tầm bao trùm của đề án, vì vậy không chỉ trong phạm vi giáo dục quốc dân bởi nó còn gắn với môi trường sử dụng ngoại ngữ. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai đề án, các đơn vị thực hiện cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa để tận dụng và kết hợp được sức mạnh trong và ngoài nhà trường trong việc tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cũng như tận dụng nguồn lực của các tổ chức giáo dục nước ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Có một thực tế là hiện nay, mức độ sử dụng ngoại ngữ được của HS, SV sau khi tốt nghiệp là rất thấp, thế nên tiến độ của đề án có thể chậm nhưng phải đảm bảo chất lượng và phải làm thật. Muốn làm được điều này, nhất thiết đội ngũ giáo viên phải đủ năng lực về ngoại ngữ và năng lực sư phạm. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thay đổi theo hướng đánh giá được cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thay vì chỉ dừng lại chủ yếu ở kỹ năng viết - nghe như hiện nay.
Cũng đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng cần phải đổi mới tư duy về dạy - học ngoại ngữ. Nếu cứ duy trì như hiện nay thì môn ngoại ngữ sẽ trở thành nỗi sợ hãi của SV. Phương pháp giảng dạy phải có sự điều chỉnh tùy theo trình độ, đối tượng SV để đạt được mục tiêu cuối cùng là SV khi tốt nghiệp phải sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ chúng ta mong muốn chứ không phải là hoàn thành xong giáo trình, đạt được một chứng chỉ nào đó. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc đào tạo GV tại các trường ĐH, CĐ là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của đề án. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho việc học ngoại ngữ cũng không thể giống như trước đây mà phải nghiên cứu để sử dụng những công cụ hiện đại, mang tính mềm dẻo hơn.

Riêng đối với 18 trường ĐH, CĐ tham gia đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phải đảm bảo lực lượng giảng viên đủ về cả số lượng lẫn năng lực ngoại ngữ, sư phạm để bồi dưỡng GV cho các trường phổ thông và GV tiếng Anh tiểu học ở các trường thực hành sư phạm… Trước mắt, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sẽ phải xây dựng lại chương trình đào tạo GV. Về nguyên tắc, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ với phương châm một chương trình do nhiều trường xây dựng - một chương trình dùng được cho nhiều trường.

Đã có nhiều kiến nghị và cam kết từ các trường ĐH, CĐ tham gia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. TS Nguyễn Thị Cúc Phương – ĐH Hà Nội cho rằng cần hỗ trợ ứng dụng và triển khai nghiên cứu ứng dụng khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) về ngoại ngữ tại Việt Nam với một số công việc cụ thể như: cơ sở lý luận và thực tiễn ứng dụng CEFR; xây dựng khung năng lực ngoại ngữ cho người Việt; soạn sách hướng dẫn về yêu cầu cụ thể của từng trình độ; tổ chức tập huấn cho GV về chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. TS Nguyễn Thị Cúc Phương cũng kiến nghị cần phải đào tạo, hỗ trợ cho GV dạy ngoại ngữ chuyên ngành và dạy môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ gồm GV ở các trường THPT chuyên và giảng viên các trường ĐH, CĐ.

Cũng về đánh giá theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu, theo PGS.TS Trần Văn Phước – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) thì hiện nay, các trường đã tổ chức đào tạo, ôn luyện và sắp tổ chức thi. Nên chăng Ban lãnh đạo đề án cần trao đổi với Bộ GD&ĐT để ban hành mẫu chứng chỉ chung, tránh mỗi trường, mỗi bậc ĐH, cao học in ra và cấp những mẫu khác nhau dù cùng trình độ. Để chuẩn bị tham gia vào Đề án Ngoại ngữ 2020, trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế đã hoàn tất khâu chuẩn bị đội ngũ chuyên môn, xây dựng được đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ năng lực tập huấn cho GV THPT, tiểu học, TCCN và dạy nghề đã được chuyên gia quốc tế đánh giá và xếp loại; triển khai biên soạn chuẩn đầu ra và nâng cấp, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh. Về CSVC, các phòng học và phòng thực hành đáp ứng yêu cầu tối thiểu về đào tạo SV và bồi dưỡng GV phổ thông; các phòng thực hành chuyên sâu đáp ứng công tác biên soạn tài liệu dạy - học theo hướng đa phương tiện, giúp cán bộ và SV nâng cao năng lực ngôn ngữ.

Riêng trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, từ cách đây 3 năm đã là trường ĐH đầu tiên mở mã ngành đào tạo GV tiếng Anh bậc Tiểu học. PGS.TS Phan Văn Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ngoài đội ngũ quản lý và lãnh đạo đã được đào tạo và bồi dưỡng tương ứng với một trường ĐH chuyên ngành về ngôn ngữ, văn hóa và đối ngoại, chỉ tính riêng giảng viên tiếng Anh của trường chúng tôi là 120 giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo và bồi dưỡng GV tiếng Anh cho các cấp từ Tiểu học, THCS, THPT và đào tạo giảng viên ở bậc cao hơn cho chính mình. Trong 120 giảng viên này, đã hình thành các nhóm chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu như: nhóm thiết kế và xây dựng chương trình, nhóm phương pháp giảng dạy, nhóm ứng dụng công nghệ cao và các thiết bị giảng dạy mới vào việc dạy và học tiếng Anh; nhóm đào tạo và bồi dưỡng GV tiếng Anh bậc Tiểu học; nhóm biên soạn và viết SGK tiếng Anh, nhóm đánh giá các kỹ năng ngôn ngữ, đánh giá chất lượng đào tạo và đánh giá chung chương trình đào tạo”.

Từ kinh nghiệm của các trường ĐH như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ… cần sớm xây dựng các trung tâm khảo thí hoặc trung tâm kiểm tra đánh giá độc lập… Hiện nay, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng đã tham mưu cho ĐH Đà Nẵng và trực tiếp thực hiện những biện pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở các trường thành viên: kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào, xác định chuẩn năng lực đầu ra theo chuẩn quốc tế. Những biện pháp này, theo PGS.TS Phan Văn Hòa, nhằm biết được mỗi năm học, trình độ ngoại ngữ của mỗi SV đang ở đâu để có những điều chỉnh kịp thời nhằm đạt chuẩn đầu ra. Đối với giảng viên, trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng cũng yêu cầu phải luôn kiểm tra, đánh giá khả năng thực tế của chính mình và nhu cầu trong tương lai bằng cách yêu cầu giảng viên phải tự đi kiểm tra và nộp lại các chứng chỉ quốc tế cho nhà trường.

* Đề án có ba giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn 2008 - 2010:  Chuẩn bị điều kiện triển khai Đề án cho các cấp học phổ thông.
b) Giai đoạn 2011 – 2015 Triển khai từng bước chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với các bậc, trình độ đào tạo.
 c) Giai đoạn 2016 - 2020: Triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

* Chương trình mới từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung chuẩn năng lực ngoại ngữ Châu Âu.
    Tiểu học                             KNLNN 1 (A1)
    THCS                                 KNLNN 2 (A2)
    THPT, TCCN, CĐ, ĐH        KNLNN 3 (B1)
    CĐ chuyên ngữ                  KNLNN 4 (B2)
    ĐH chuyên ngữ                  KNLNN 5 (C1)

Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ