Dạy trẻ tính thật thà

GD&TĐ - Thật thà là bản tính tốt đẹp của con người. Trong cuộc sống, người có tính thật thà luôn được mọi người tin cậy và yêu mến. Nếu sống trong một tập thể có vài người thiếu đi những đức tính này, thì sẽ gặp nhiều phiền toái xảy ra.

Dạy trẻ tính thật thà

Học sinh táy máy - Thầy cô đau đầu

Những chuyện giáo viên phải giải quyết nhiều nhất trên lớp học có lẽ là chuyện mất vặt. Hầu như ngày nào cũng có học sinh thưa gửi vì mất đồ mà đặc biệt là mất tiền. Ít là vài ngàn, có khi lên đến dăm chục ngàn. Dù thầy cô đã dùng nhiều biện pháp như dụ dỗ, răn đe… nhưng cũng không dễ tìm ra thủ phạm.

Giáo viên cũng liên tục nhắc nhở, giáo dục các em về tính thật thà, trung thực trong từng bài dạy, từng tình huống, từng tấm gương người tốt việc tốt điển hình. Nhưng nhiều em đã “Ăn cắp quen tay” từ khi còn rất nhỏ nên cũng khó biến chuyển. Giáo dục nhà trường muốn thành công thì vai trò của các bậc cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển tính cách của các em.

Muốn con thật thà cha mẹ phải nghiêm khắc ngay từ đầu

Bé Bi đang là học sinh lớp chồi, mỗi ngày đi học về, bé đều mang một đồ vật gì đó mà không phải của mình. Lúc thì cây viết chì, viết màu, quyển vở, khi một món đồ chơi nào đấy… Mỗi khi đón con từ trường về nhà, phát hiện những đồ vật lạ, chị Lan, mẹ bé Bin đều gặng hỏi con lấy ở đâu, của ai? Vừa phân tích cho con hiểu ăn cắp của bạn là xấu, chị vừa cương quyết hỏi thăm nhà bạn, dù ở xa vẫn chở Bin tới trả và bắt xin lỗi bạn hứa lần sau không lấy nữa.

Dù rất nghiêm khắc nhưng bé Bin vẫn thường xuyên lấy cắp đồ của bạn mang về. Những lần sau, bé không mang ra khoe với mẹ mà giấu đi rồi lén chơi một mình. Biết tính con, chị theo dõi và kiên trì nhắc nhở, dạy dỗ từ từ nhưng vô cùng cương quyết… Dạo này, Bin tiến bộ nhiều. Hôm chở Bin lên trường, chị Lan thấy chiếc bóp của ai đánh rơi trên đường đi, dừng lại nhặt lên để xem ai là chủ nhân còn trả lại nhưng cu cậu nhất định không cho mẹ lấy: “Của người ta đánh rơi để họ đi tìm lấy về. Không phải của mẹ nên không được lấy”. Thấy phản ứng của con, chị mừng lắm, sự kiên trì dạy dỗ của mình đã có kết quả.

Khác với chị Lan, cô em họ của tôi đã “tiếp tay” cho sự táy máy của con từ nhỏ nên bây giờ, chính vợ chồng cậu em phải luôn cẩn thận đề phòng cả con cái của mình vì thói quen ấy. Khi bé Mai còn học lớp Chồi. Một hôm, đi học về, bé mở cặp lấy ra một chiếc bình sữa rồi nói: Mẹ cất đi, mai mốt mẹ đẻ, cho em bé bú. Mẹ cười: Mới 4 tuổi mà khôn thế. Thấy vậy, tôi lên tiếng: Con không được lấy của bạn, như vậy gọi là ăn cắp, xấu lắm. Mai con đem lên lớp trả lại và xin lỗi bạn đi. Chưa để tôi nói hết lời. Em dâu tôi gạt phắt: “Nó còn nhỏ, lớn lên dạy cũng chưa muộn, biết lo cho em là quá khôn rồi”.

Và từ hôm đó, cứ mỗi khi đi học về, bé Mai lại lấy từ trong cặp khi thì cây bút chì, cái thước, lúc hộp màu hay cái kẹp tóc… Và không hiểu từ lúc nào, cái tính táy máy thích lấy đồ của người khác đã ngấm vào con bé. Giờ tuy đã học lớp 4 nhưng cháu vẫn thường xuyên lấy cắp đồ của bạn. Đã nhiều lần ba mẹ bị thầy cô mời lên nhưng Mai cũng chỉ chừa được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Không chỉ lấy của bạn, mà dạo này, bố mẹ Mai thường xuyên than mất tiền. Có lần mất 200.000 đồng, khi phát hiện thủ phạm là Mai thì cháu đã cùng bạn đi ăn hàng gần hết.

Cha ông nói: Dạy con từ thuở còn thơ quả không sai tí nào. Nhờ lòng kiên nhẫn của chị Lan mà bé Bin đã chừa hẳn việc lấy đồ của bạn. Giá ngay từ đầu khi thấy Mai lấy đồ của bạn về nhà, mẹ Mai giảng dạy, khuyên răn cho con thấy đó là việc làm không tốt và bắt phải trả lại, xin lỗi bạn như chị Lan. Thì có lẽ bây giờ, cháu không có thói quen lấy cắp đồ của mọi người.

Các em ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Vì thế, các em dễ dàng tiếp nhận những cách giáo dục tốt hoặc sai lầm từ người lớn. Các bậc cha mẹ cần chịu khó quan sát, giải thích và khuyên răn, uốn nắn thường xuyên những suy nghĩ, việc làm chưa tốt của con. Những lời dạy bảo ân tình sẽ giúp con trẻ cảm nhận được mức nguy hại của hành vi do mình gây ra. Từ đó, các em sẽ hướng đến những việc làm tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ