Dạy trẻ sống có trách nhiệm

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại khi thấy con mình dù giỏi giang, chăm chỉ nhưng lại có phần ít quan tâm tới những người thân xung quanh. Tuy nhiên, phần lớn những điều này đều xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ quá nuông chiều con trẻ.

Dạy trẻ sống có trách nhiệm

Con vô tâm vì đâu?

Nằm trong căn phòng tối om một mình, chị Mai Anh (ở khu đô thị Văn Khê - Hà Đông – Hà Nội) thở dài nghĩ ngợi. Chồng thì đi làm xa, có cô con gái học đến lớp 11 rồi mà những lúc ốm đau chỉ có một mình.

Bình thường, thấy con học hành vất vả mọi việc trong nhà chị đều giành phần làm hết. Bởi chị nghĩ mình làm cố một chút cũng không sao, khi lớn con khắc sẽ biết suy nghĩ.

Thế nhưng, khi thấy con ngày một lớn nhưng không để ý tới suy nghĩ của những người gần gũi với con, thì chị biết mình đã sai lầm trong cách dạy con.

Mấy tháng trước, ông nội phải vào cấp cứu bệnh viện, cả nhà tất tả lo lắng thay phiên nhau vào chăm sóc, còn con gái chị cũng không mấy quan tâm. Mỗi khi người lớn nhắc nhở vào thăm ông nội, cháu cũng vào nhưng tỏ ý không thoải mái.

Về nhà, con lại hay kêu ca sợ mùi của bệnh viện, rồi sợ lây nhiễm… khiến chồng chị bực mình mắng mỏ. Chị cũng đã lựa lời khuyên răn, nhưng con gái chị trả lời cho qua quýt rồi lại chỉ chú tâm tới những việc của mình.

Còn hôm nay chị sốt cả ngày, dù biết nấu cơm phần mẹ, nhưng khi có bạn rủ đi sinh nhật cháu không hề từ chối mà vẫn mặc nhiên xin phép đi chơi. Chị cũng buồn lắm nhưng không đành ngăn cản con…

Đó chỉ là một trong nhiều tâm sự của những người mẹ. Họ đều giống nhau ở điểm quá thương yêu con, nên đã chiều chuộng mặc nhiên đáp ứng mọi sở thích mong muốn của con từ nhỏ.

Chính vì tình thương vô điều kiện ấy đã khiến những đứa trẻ dù đã lớn nhưng vẫn ích kỷ. Đa phần chúng chỉ muốn nhận được sự quan tâm của người khác mà không biết chia sẻ, hay suy nghĩ vì những người thân yêu của mình.

Hình thành thói quen ngay từ nhỏ

Theo cô Nguyễn Bích Lộc, giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Thanh Trì (Hà Nội) đó là: Cần phải dạy trẻ về tình yêu thương và sự sẻ chia từ khi còn nhỏ. Bởi điều này sẽ giúp các con hình thành thói quen biết quan tâm tới những người xung quanh khi lớn lên.

Điều đầu tiên là các con cần học cách lắng nghe từ những người sống bên mình và mọi người trong cộng đồng. Việc học cách quan tâm tới mọi người cũng phải được trau dồi thường xuyên như bất kỳ một môn học nào.

Cha mẹ nên khuyến khích các con mỗi ngày làm được nhiều việc tốt. Đó là khi các con biết giúp đỡ bạn bè hoặc cùng chia sẻ các hoạt động của tập thể.

Những điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt biết vì người khác. Việc dạy trẻ bày tỏ sự biết ơn một cách thường xuyên cũng chính là hướng trẻ biết quan tâm tới mọi người.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen thể hiện sự biết ơn thường có xu hướng sẵn sàng giúp đỡ người khác, hào phóng, nhiệt tình và dễ tha thứ. Và những người này cũng thường hạnh phúc và mạnh khỏe hơn.

Trên thực tế, đa số cha mẹ thường kỳ vọng vào sự trưởng thành của con cái hơn là muốn trẻ biết sống nhân hậu và quan tâm tới người khác hay không.

Rõ ràng chúng ta nên xem lại quá trình nuôi dạy trẻ. Hãy để trẻ tập thói quen phải cân bằng giữa nhu cầu của bản thân với nhu cầu của người khác.

Tùy theo độ tuổi của con mà bố mẹ nên phân công, giao trách nhiệm cho con với các công việc trong gia đình. Bên cạnh đó cũng cần có những quy định về chuẩn mực trong cách hành xử giao tiếp.

Việc tạo cho trẻ có những thói quen tốt sẽ giúp trẻ tự giác và biết có trách nhiệm hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, phụ huynh chính là tấm gương mà các con soi vào để học tập và noi theo.

Chính vì vậy, cách hành xử giao tiếp hàng ngày của người lớn sẽ giúp các con cảm nhận và học theo một cách nhanh nhất. Trẻ cần được học về lòng vị tha, về tình yêu thương chia sẻ từ những bài học thực tế trong cuộc sống.

Cha mẹ nào cũng mong muốn các con khi lớn lên sẽ trở thành người tốt. Tuy nhiên, chính sự yêu thương và nuông chiều thái quá đã khiến những đứa trẻ luôn coi mình là cái rốn của vũ trụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.