Để cô giáo được dạy học
Dịch bệnh ập đến, trường học ở Hà Nội đóng cửa, nhiều cô giáo mầm non nhất là khối trường tư thục gần như mất việc làm. Đồng thời, ông bà và cha mẹ phải thay nhau “đóng thế” để trông trẻ tại nhà.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Vinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có nguy cơ giải thể. Quận Ba Đình đã có quyết định giải thể 2 cơ sở mầm non tư thục và 31/79 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập có nguy cơ giải thể.
Nhiều giáo viên mầm non nhất là cơ sở tư thục rơi vào tình cảnh khó khăn. Thực hiện sự chỉ đạo Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành giáo dục lập danh sách hỗ trợ nhằm động viên các nhà giáo là đối tượng F0 và F1 cho 28 trường hợp.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình hỗ trợ cho 10 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, phối hợp cùng UBND và Hội Chữ thập đỏ tổ chức trao quà cho 10 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi xuất 1 triệu đồng.
Đặc biệt, Phòng GD&ĐT phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Ba Đình hỗ trợ túi “An sinh Công đoàn” cho 192 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài công lập
Từ thực tế đó, cô Vũ Thị Thúy - Quản lý Hệ thống giáo dục mầm non Mẹ yêu con - đã quyết định khởi xướng dự án “Trông trẻ Pro” hay gọi là đem trường học đến nhà. Đây là dự án phi lợi nhuận nhằm kết nối các cô giáo mầm non với phụ huynh học sinh.
Dự án Trông trẻ pro đã có 638 cộng tác viên là các cô giáo tại các trường công lập, trường tư thục đang chờ kết nối với phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, khoảng 200 giáo viên đã nhận được công việc và đang dạy học, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Theo cô Thúy, trước đây, cha mẹ phải liên hệ qua Facebook hoặc thông qua người quen trong dự án để kết nối với các cô giáo. Nhưng hiện nay, phụ huynh có thể đặt lịch dạy học cho con qua một ứng dụng trên điện thoại di động với các khung giờ như 8-10h, 14h-16h hoặc cả ngày. Ngoài ra, các tiết học được quan tâm có thể kể đến như thể dục, kỹ năng sống, chuẩn bị vào lớp 1…
“Các cô tham gia dự án chủ yếu là giáo viên tư thục, có độ tuổi từ 22 đến 40. Không phải ai cũng được nhận vào dự án vì các cô phải có bằng cấp, dự thi kĩ năng chuyên môn, tham gia phỏng vấn.
Sau đó, những cô giáo mầm non trúng tuyển sẽ tham gia lớp đào tạo để thống nhất chương trình dạy học, nhận lời khuyên từ giáo viên có kinh nghiệm, tương tác với phụ huynh và học sinh…”, cô Vũ Thị Thúy cho hay.
Dự án chỉ thực sự được nhiều cô giáo biết đến trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh và nỗi lo kinh tế đè nặng. Một nguyên nhân nữa là nhiều cô giáo vẫn nghi ngờ dự án chỉ môi giới hoặc lừa đảo.
“Có cô giáo mầm non đã gặp cảnh bán hàng online bị bùng tiền hay phụ huynh coi như ô sin cao cấp nên dè chừng khi mới tham gia dự án. Mãi đến tháng 9/2021, nhiều cô giáo mới bắt đầu nhận công việc giảng dạy tại nhà…”, cô Thúy nói.
Để đáp ứng nhu cầu dạy tại nhà, các cô phải có bằng chuyên ngành, sau đó tham gia thi phỏng vấn, thực hành hát múa, ứng xử tình huống thực tế… Sau khi tham gia lớp đào tạo, các cô được tập huấn tương tác với trẻ và phụ huynh tại nhà, lên kế hoạch dạy học ở môi trường làm việc mới… Dự án “rất mở” khi cô giáo có thể tự tìm phụ huynh, thỏa thuận lương theo nhu cầu.
“Động lực duy trì dự án chính là mong muốn các cô được duy trì hoạt động chuyên môn thay vì phải đi buôn bán bất động sản, bán hàng online, mở bếp nấu ăn tại nhà… Sau khi trường học mở lại, Hà Nội sẽ thiếu rất nhiều giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non đã thiếu nay lại càng thiếu…”, cô Vũ Thị Thúy cảnh báo.
Tết có lương, tiền mua sữa cho con
Là thành viên của dự án Trông trẻ pro, cô Trung Anh (Hà Nội) chia sẻ, việc dạy tại nhà có đôi chút khác biệt so với dạy ở trường như không gian nhỏ hơn, thiếu trang thiết bị dạy học…
Tuy vậy, cô không hề ngại khó khăn, vất vả để đến địa điểm dạy học. Đây là công việc cô nhận được sau 2 lần không thể di dạy do phụ huynh đột ngột chấm dứt thỏa thuận. Khi đó, cô giáo trẻ này phải nhờ tới dự án Trông trẻ pro để kết nối với gia đình khác.
Cuối cùng, cô Trung Anh đã có công việc dạy học tại nhà cho một bạn nhỏ trên địa bàn Hà Nội với mức lương khoảng 4 - 6 triệu đồng tùy số ngày dạy. Mức lương không cao nhưng đó số tiền rất lớn đối với một cô giáo mầm non tư thục mất việc đã gần nửa năm nay.
Nhận tháng lương đầu tiên, cô Trung Anh vui mừng. "Điện thoại báo tin nhắn ting ting là tôi khoe luôn ông bà và gia đình “con có lương rồi, Tết này có tiền mua sữa cho con rồi…”, chị Trung Anh kể.
Thấu hiểu nỗi lòng của các cô giáo mầm non, cô Trung Anh chia sẻ: “Mình luôn tin rằng ngày mai vẫn còn điều tươi sáng sẽ đến. Chỉ cần chúng ta có cố gắng, có phấn đấu thì Tết này bánh chưng vẫn có thịt, hoa đào vẫn đỏ tươi. Mình mong các cô giáo mầm non sẽ có nhiều ca làm, mức lương cao trong dịp năm mới”.
Mong trẻ sớm được đến trường
Cô Đàm Thị Phương Linh – giáo viên Hệ thống giáo dục mầm non Mẹ yêu con cho biết, phụ huynh thường để kit test nhanh Covid-19 trước cửa nhà mỗi khi cô đến dạy. “An toàn phòng dịch được phụ huynh ý thức rất cao để bảo đảm sức khỏe cho cô và bé…”, cô Linh nói.
Theo cô Linh, việc dạy trẻ tại nhà không chỉ giúp giáo viên mầm non duy trì kinh tế mà còn duy trì lòng yêu nghề.
“Không đi dạy đồng nghĩa không có thu nhập, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là giữ lửa nghề. Năm 2022 đã đến, giáo viên mầm non mong chờ mở cửa trường học để mỗi ngày đến trường là một ngày vui…”, cô Linh bày tỏ.
Thống kê của Bộ GD&ĐT, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, cả nước có có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.
Qua khảo sát nhanh của Bộ GD&ĐT, 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên mầm non, nhất là khối tư thục.