Trường mầm non hối hả chuẩn bị nhân lực, vật lực đón trẻ sau Tết

GD&TĐ - Các trường mầm non ở TPHCM đang sẵn sàng đón trẻ trở lại sau Tết theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Trong đó nhiều trường lên kế hoạch tuyển dụng lại nhân sự, mua sắm thiết bị vật tư y tế, phòng chống dịch…

Giáo viên Trường mầm non Bình Minh (phường 3, quận 8, TPHCM) vệ sinh đồ dung học tập chuẩn bị cho việc đón trẻ.
Giáo viên Trường mầm non Bình Minh (phường 3, quận 8, TPHCM) vệ sinh đồ dung học tập chuẩn bị cho việc đón trẻ.

Phải tuyển lại nhân viên nuôi dưỡng

Quận 8 (TPHCM) có 18 trường mầm non công lập, 32 trường mầm non ngoài công lập. Hiện các trường đã chuẩn bị xong công tác đón học sinh trở lại sau Tết.  Ông Dương Văn Dân - Trưởng Phòng GD&ĐT Quận 8 cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường rà soát lại các điều kiện an toàn để sẵn sàng đón trẻ đi học trở lại, trong đó đảm bảo 100 % xây dựng tốt phương án phòng chống dịch.

 "Về công tác chuẩn bị, quận đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đi kiểm tra các trường. Qua đó, 100% trường mầm non đạt tiêu chuẩn đón trẻ trở lại trên 10 tiêu chí. Tâm lý các cô giáo rất sẵn sàng đón trẻ. Kết quả khảo sát trên địa bàn cho cho thấy có trường 60% phụ huynh khối lớp lá đồng thuận cho con trở lại trường sau Tết, cũng có trường tỉ lệ này là 20 - 30%…”, ông Dương Văn Dân cho biết.

Cô Nguyễn Thị Kim Phục - Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (phường 3, quận 8, TPHCM) cho biết trường có khoảng 500 trẻ. Nghe thông tin tháng 2 sẽ đón học trò nên các thầy cô cũng vui mừng. Trường đã chuẩn bị những công tác khử khuẩn vệ sinh môi trường, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Đồng thời, giáo viên cũng lên kế hoạch hỗ trợ củng cố kỹ năng và kiến thức cho trẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Phục, hiện nhà trường gặp một số trở ngại về đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng và nhân viên phục và mua sắp các thiết bị y tế, phòng chống dịch.

“Nhân viên nuôi dưỡng và nhân viên phục là những nhân sự hợp đồng với trường, thời gian nghỉ dịch kéo dài vừa qua không có lương nên họ đã chuyển việc khác. Khi nhà trường hoạt động trở lại thì phải tuyển lại, trung bình 2 lớp thì có 1 nhân viên nuôi dưỡng và cả trường thì có khoảng 2 nhân viên phục vụ theo dạng hợp đồng. Hiện nhà trường cũng chỉ mới thăm dò các nhân viên cũ đã nghỉ xem họ có mong muốn trở lại trường hay không để giữ chỗ, chứ chưa dám tuyển liền vì các lớp đi học thật sự thì nhà trường mới có tiền để trả lương”, cô Kim Phục chia sẻ.

Giáo viên Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) thể hiện quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19.

Giáo viên Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) thể hiện quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19.

“Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch đón trẻ trở lại trường. Ngoài ra, trường cũng đã thực hiện diễn tập cho đội ngũ về xử lý khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid tại nhà trường.  Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, các cô đang mong chờ để chào đón các bé đến trường", cô Lê Thị Thanh Phương chia sẻ.

Trong khi đó, cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) cho biết, nhà trường cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất cùng điều kiện đảm bảo theo các tiêu chí của bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, đạt đủ 10/10 tiêu chí.

Theo đại diện một số trường, việc mua sắm các thiết bị y tế để phòng chống dịch không nằm trong kế hoạch chi tiêu nên gặp một số khó khăn nhất định, trong đó việc trang bị bình oxy trong trường và mua dụng cụ test covid hơi tốn kém. “Việc trang bị bình oxy thì trường nhờ trung tâm y tế phường phối hợp, hỗ trợ khi cần. Đồng thời việc test trẻ khi có triệu chứng thì nhà trường trường sẽ phối hợp với phụ huynh và y tế địa phương”, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (phường 3, quận 8, TPHCM)  cho biết.

Học một buổi hay bán trú?

Theo quyết đinh của UBND TPHCM, trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ học trực tiếp từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và người chăm sóc theo lộ trình: Từ ngày 7/2, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác đón trẻ và học sinh trở lại trường.

Từ ngày 10/2 đến ngày 13/2, các trường tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các hướng dẫn và lưu ý khi đưa con em đi học trở lại, tập huấn giáo viên.

Ngày 14/2, các trường tổ chức đón trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp, đồng thời tổ chức sinh hoạt hướng dẫn học sinh đi học an toàn.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM  có tờ trình đề xuất cho trẻ mầm non và lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 đi học lại từ ngày 7/2 (sau Tết Nguyên đán) trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Cụ thể, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất cho trẻ mầm non và lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 đi học lại từ ngày 7/2 theo lộ trình. Từ ngày 10 đến 13/2 các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý; tập huấn cán bộ - giáo viên - nhân viên. Từ ngày 14/2 tổ chức đưa trẻ đến trường. Hiện việc đi học của trẻ một buổi hay cả ngày là điều khiến nhiều phụ huynh và nhà trường quan tâm.

Một buổi học của cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận 8, TPHCM. Ảnh tư liệu.

Một buổi học của cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận 8, TPHCM. Ảnh tư liệu.

Trao đổi với báo chí đại diện Phòng GD&ĐT Quận 6 (TPHCM) cho biết, hiện chưa có quyết định chính thức về thời gian đi học của trẻ sắp tới, các đơn vị vẫn chờ hướng dẫn từ Sở GD&ĐT nhưng tinh thần ở quận là tạm thời học một buổi. "Quận có 18 trường công lập, trường ngoài công lập có 28 trường. Tạm thời trẻ mầm non chỉ học một buổi. Ổn định xong mới hai buổi, bán trú và triển khai giống như bình thường", đại diện Phòng GD&ĐT Quận 6 cho biết.

Chị Hồng Hạnh - chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) cho biết từ khi cơ sở thành lập đến nay bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 liên tục. Thời gian trẻ nghỉ quá lâu nêu giờ việc trẻ đi học trở lại thì khâu chỉnh trang cũng tốn kinh phí không nhỏ. Hiện cơ sở cũng chưa nghe hướng dẫn việc đi học trở lại của trẻ là 1 buổi hay cả ngày nên cũng đang chờ hướng dẫn.

“Thời gian qua, cơ sở vẫn duy trì kết nối giáo viên với phụ huynh, học sinh theo khả năng và tình hình thực tế. Khi có thông tin đi học trở lại , nhà trường làm khảo sát rất kỹ. Chuyện ăn sáng ở nhà hay ở trường, thời gian đầu phụ huynh lo được nhưng nhiều phụ huynh mong muốn học hai buổi, gửi con ở trường được nguyên ngày", chị Hồng Hạnh chia sẻ.

Chị Liên Thanh (ngụ quận 8 có con học lớp lá) cho biết gia đình cũng chưa nghe nói việc các cháu đi học trở lại thì học 1 buổi hay cả ngày. Bởi việc học một buổi hay cả ngày ảnh hưởng rất lớn đến công việc của cả nhà.

“Hiện gia đình tôi có 2 cháu, một cháu học lớp lá, một cháu học lớp 4. Thòi gian qua, các cháu ở nhà nên rất vất vả trong việc chăm nom mà mùa này dịch bệnh nên cũng không tiện thuê mướn người giúp việc, nên gần như hai vợ chồng lúc nào cũng có một người ở nhà để giữ con. Do đó các cháu nếu trở lại trường đi học trực tiếp thì học cả ngày sẽ thuận tiện cho phụ huynh hơn là học 1 buổi rồi về. Vấn đề là làm sao kiểm soát được dịch bệnh và tạo môi trường an toàn cho các cháu là gia đình hoan nghênh”, chị Liên Thanh chia sẻ.

Theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TPHCM, trong Tết, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM tập huấn cho các trường về công tác bán trú, nội trú để các trường trên địa bàn có cơ sở tổ chức bán trú, nội trú, mở cửa căngtin trong tình hình bình thường mới khi học sinh đi học trở lại. Đồng thời, ngành giáo dục sẽ khuyến khích các trường tổ chức bán trú, nội trú, mở cửa căngtin nhưng không thể đòi hỏi các trường phải tổ chức đồng loạt, đồng bộ như nhau. Bởi điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh, thực trạng ở các trường là khác nhau.

"Mầm non không thể đi về trưa mà nên học cả ngày. Học một buổi đi về như thế rất thương các con và cực cho phụ huynh. Ăn sáng thì tuần đầu không tổ chức được, để các con tập trung vấn đề quen đến trường, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay hay những quy định chung" - một cán bộ phòng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ.

“Nếu gửi con một buổi, không ăn sáng ở trường, phụ huynh rất cập rập, lu bu. Đồng thời, phụ huynh làm nửa buổi chạy về đón con, buổi còn lại loay hoay tìm người gửi để đi làm thì rất cực” - chị Ngọc Bích (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.