Điều đáng buồn là nhiều phụ huynh lâu nay đã vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ ngay trong gia đình. Họ đã làm thay cho con quá nhiều việc rồi lại phải chi tiền cho con đi học những kỹ năng mà lẽ ra họ có thể truyền dạy con mình.
Lo lắng vì con thiếu kỹ năng sống
Mỗi lần chị Hồng Quyên – khu tập thể Vạn Phúc - phường Cống Vị - Ba Đình - Hà Nội than thở với mấy chị bạn về việc con gái vụng về, đoảng vị thì anh Hải chồng chị lại cười buồn. Anh chia sẻ: Sai lầm này do vợ tôi mà nói mãi cô ấy không hiểu. Cô ấy luôn bảo con “chỉ cần con chăm chỉ tập trung học thật giỏi, thi được vào trường chuyên là mẹ hạnh phúc lắm rồi…”.
Chính vì cái suy nghĩ đó mà cô ấy làm hết mọi việc cho con, con bé chưa từng phải nhấc tay làm bất cứ việc gì, không có thói quen làm việc nhà, 17 tuổi rồi mà cơm không biết nấu, nhà không biết lau, đi mua cái gì thì người ta bảo bao nhiêu tiền thì đưa trả bấy nhiêu, họ đưa cho cái gì thì cầm lấy cái đó… Tôi góp ý bao nhiêu lần mà vợ không chuyển.
Bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ cho con đi du học. Điều tôi lo lắng nhất không phải là chuyện đầu tư khoản tiền lớn cho con mà là rời gia đình đến một môi trường hoàn toàn xa lạ thì con bé sẽ tự xoay sở thế nào, nó có thích ứng nổi không khi khả năng tự lập của nó quá kém như vậy?
Thương yêu đúng cách
Tại một chương trình tọa đàm được Alpha Kids tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội, TS Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con” từng chia sẻ những điều khiến bà trăn trở: Trong gia đình, bố mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con.
Ngay từ ấu thơ, nếu cha mẹ vì tình yêu thương mù quáng đã làm thay làm hộ đứa trẻ nhiều việc liên quan đến nó, không cho nó cơ hội được học những kỹ năng sống thì đã đẩy đứa con thông minh, học giỏi vào nhóm nguy cơ cao, dễ rơi vào trầm cảm, không điều chỉnh, kiểm soát được tâm lý, cảm xúc của mình và rất dễ trở thành “mồi” cho những tệ nạn.
Thương con chính là dạy con biết cách tự chăm sóc bản thân, biết vượt khó. Con tự ăn có hơi chậm thì bố mẹ kiên nhẫn động viên sự cố gắng của con. Con đi giày dép ngược thì nhắc nhở để con tự sửa lại.
Con đi lạc đường thì phải dạy con biết cách xác định phương hướng. Con cái không “bị” bố mẹ bao bọc quá mức sẽ biết tự lập, biết chủ động và nhạy bén khả năng ứng phó với các tình huống cuộc sống, sau này ra đời có sức chịu đựng và có động cơ phấn đấu cao hơn.
Mỗi đứa trẻ đều phát triển năng lực tự giác, khả năng tự lập rất tốt nếu được khuyến khích nuôi dưỡng kịp thời. Đừng quá chăm sóc, việc gì cũng hứng lấy làm thay để năng lực tự giác, dễ thích nghi của trẻ bị thui chột, bị ức chế dẫn đến tình trạng trẻ tự ti, thụ động, yếu đuối và phụ thuộc. TS Nguyễn Thụy Anh